Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đánh giá việc thực hiện gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ phải gắn trong cái nhìn tổng thể
Chuyên gia kinh tế UNDP nói về gợi ý hỗ trợ tiền mặt cho người dân trong dịch
Theo ông Jonathan Picus, mỗi cuộc khủng hoảng thường chia làm hai giai đoạn: giai đoạn trong khủng hoảng và sau khủng hoảng.
Tại giai đoạn trong khủng hoảng đại dịch, các chính sách của Việt Nam chủ yếu tập trung vào nguồn cung. Ví dụ chính sách thuế, hỗ trợ tín dụng..., đây là can thiệp về phía nguồn cung. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu cũng gặp nhiều khó khăn, người dân có thể bị giảm khả năng mua hàng.
“Cho nên trong giai đoạn khủng hoảng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, những sự can thiệp về tài khóa không tập trung vào phần nguồn cung mà tập trung vào phần nhu cầu. Đây là thực tiễn được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới cả trong thời gian đại dịch cũng như sau đại dịch…”, ông Jonathan Picus cho hay, đồng thời đề cập đến những hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân như một gợi ý mà nhiều quốc gia đã sử dụng để kích thích sức cầu trong đại dịch.
Còn với giai đoạn sau khủng hoảng, theo vị này, câu chuyện phục hồi tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào để người lao động có thể chuyển việc hoặc di chuyển về mặt địa lý giữa các khu vực thuận lợi. Như vậy cần có chính sách hỗ trợ về mặt nhà ở, việc làm cho người lao động, cùng đó hỗ trợ doanh nghiệp có những hình thức đào tạo người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đánh giá việc thực hiện gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ phải gắn trong cái nhìn tổng thể
Phản hồi về gợi ý của ông Jonathan Picus, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Vương Đình Huệ nêu ý kiến: “Việc nhiều nước trên thế giới thay vì miễn giảm thuế thì trợ cấp tiền trực tiếp cho người dân, điều này đúng. Nhưng nên chăng, khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ (về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 347 nghìn tỷ - PV) thì phải gắn vào hàng loạt các giải pháp mà chúng ta đã áp dụng trước đó, và cả những chính sách mà UBTVQH ban hành ngày 31/12/2020, nhưng chúng ta thực hiện cho năm 2022 này”.
“Ví dụ, Việt Nam đã quyết định dùng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp ngay một lúc chi ra đến 38 nghìn tỷ bằng tiền mặt, sau đó đến khi chi thì vẫn còn thiếu, UBTVQH lại ban hành NQ 24/2022 chi thêm 1.155 tỷ nữa, cộng với 6.600 tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà thì tổng quy mô hỗ trợ đã lên tới khoảng 2 tỷ USD. Chưa kể chi phí trợ cấp gửi Chính quyền địa phương chi trực tiếp cho người lao động rất lớn, thì đó có phải các khoản hỗ trợ đến người dân hay không?”, ông Huệ phân tích thêm.
Ông Huệ nhấn mạnh phương pháp tiếp cận để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ (về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội) phải gắn trong đánh giá tổng thể với các chính sách hỗ trợ trong suốt thời gian qua, khi chúng ta thực hiện hàng loạt Nghị quyết hỗ trợ khác như Nghị quyết 30/2021 hay kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu…
“Mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau. Thêm nữa tại sao lạm phát ở các nước cao như vậy? Vì chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, ngân sách tài khóa ở Việt Nam không có nhiều dư địa, nên thay vì chi tiền mặt cho người dân thì giảm thuế VAT 2%, để người dân ai cũng được hưởng hỗ trợ, người ta dùng số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn, thực hiện lại rất nhanh. Riêng gói hỗ trợ này dự kiến làm giảm thu NSNN mấy chục nghìn tỷ trong hai năm. Và điều này cũng góp phần làm giảm lạm phát do giá cả hàng hóa giảm đi, thì phải chăng đây là chính sách tác động kép (vừa hỗ trợ phục hồi vừa kiểm soát lạm phát - PV)”, ông Huệ nói.