Doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ, chuyên gia 'hiến kế' gì?

Thùy Dung 10:29 | 18/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng hết room tín dụng. Khách hàng doanh nghiệp không mặn mà vì khó tiếp cận, nhiều doanh nghiệp từ chối vì sợ bị thanh tra, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có tài sản bảo đảm, hộ kinh doanh cá thể chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh… Đó là một trong nhiều khó khăn khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% nói riêng và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ nói chung còn chưa đạt kỳ vọng, theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê.

 

Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. 

Tổng quy mô hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng, chia thành 4 nhóm giải pháp, trong đó, quy mô của các giải pháp thuộc nhóm chính sách tài khóa lên tới 237.650 tỷ đồng, chiếm 68,53%, các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ là 46.000 tỷ đồng, tương đương 13,26%, các giải pháp thuộc nhóm chính sách an sinh xã hội là 53.150 tỷ đồng, tương ứng 15,55%, và cuối cùng là các giải pháp khác là 10.000 tỷ đồng, tương ứng 2,88% tổng giá trị của chương trình. 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. 

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề ‘’Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’ diễn ra sáng 18/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra sốt ruột trước tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ông Huệ nói: “Một số cấu phần của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trị giá 347 nghìn tỷ triển khai còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại cổ phần. Gói đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô 113 nghìn tỷ đồng vốn kỳ vọng sẽ tạo động lực to lớn cho phục hồi kinh tế nhưng cũng chỉ vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án vào cuối tháng 8/2022, chủ yếu do thể chế và khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư…”

Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định  quy mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so với năm 2020 và 2021, theo dự kiến quy mô gói hỗ trợ lần này là 4,05% GDP. Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.

“Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp”, tham luận của ông Trúc Lê và nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội gửi lên Diễn đàn nêu rõ.

Doanh nghiệp 'dửng dưng', thậm chí từ chối nhận hỗ trợ

Ông Nguyễn Trúc Lê lấy ví dụ: một chính sách được kỳ vọng là trọng tâm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội lần này, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng 113 nghìn tỷ, là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nhưng sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ NHNN (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng… 

“Khách hàng doanh nghiệp không mặn mà vì khó tiếp cận, nhiều doanh nghiệp từ chối vì sợ bị thanh tra, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có tài sản bảo đảm, hộ kinh doanh cá thể chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh…”, ông Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh tại Diễn đàn. “Về phía các tổ chức tín dụng, rào cản lại nằm ở room tín dụng. Mặc dù ngân hàng đã được nới room nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng, có lẽ điều này được hiểu do mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% nên NHNN cũng rất  cân nhắc khi điều chỉnh room tín dụng”, ông Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.

 PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê

Một chính sách hỗ trợ khác được doanh nghiệp kỳ vọng là gia hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng sẽ bổ sung vào dòng vốn ngắn hạn và làm giảm mất cân đối dòng tiền doanh nghiệp. Liên quan đến gói này, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất đơn giản hóa thủ tục theo cơ chế tự khai, tự nộp, một phần giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trúc Lê, cho đến nay, 8 tháng đã trôi qua kể từ khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn với việc triển khai chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nêu trên. 

Hay liên quan đến chính sách hỗ trợ thuế xuất nhập khẩu, khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nhìn nhận gói này nhiều ưu điểm vì không dàn trải và tạo thuận lợi cho một số ngành, trong đó đặc biệt ngành sản xuất ô tô, sản xuất thép và chăn nuôi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong muốn cần phải sớm đánh giá hiệu quả của chính sách để tiếp tục điều chỉnh, có thể bổ sung, lựa chọn thêm các ngành nghề có ảnh hưởng, tính lan tỏa cao. 

Nhìn chung, nhóm nghiên cứu chỉ ra có một số khó khăn chính trong triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Một là thông tin về chương trình không được phổ biến, cập nhật đến với nhiều loại hình doanh nghiệp, ví dụ những doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận chính sách miễn, giảm thuế qua đường văn bản chính thức, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ chỉ được tiếp cận chính sách qua các đường phi chính thức. 

Thứ nhất, chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính, ví dụ như hộ kinh doanh không đáp ứng được điều kiện về giấy phép và doanh nghiệp cũng thì e ngại tham gia do phải đối mặt với cả thanh tra, kiểm toán…

Khó khăn thứ ba là thời gian hỗ trợ ngắn, chẳng hạn như gia hạn thuế giá trị gia tăng thời gian ngắn thì chưa đủ giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp. 

Khó khăn thứ tư là đối với đối tượng hỗ trợ đang chỉ tập trung vào một số ngành nghề, tuy nhiên, còn rất nhiều các ngành đang thực sự đứng trước thách thức. Chẳng hạn phản hồi từ các doanh nghiệp ngành dịch vụ du lịch khẳng định họ bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng nhận được gói hỗ trợ ít so với các ngành ưu tiên khác

Khó khăn thứ năm là văn bản hướng dẫn là chưa kịp thời; chẳng hạn văn bản hướng dẫn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước vẫn chưa được ban hành.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Ví dụ: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, có thể nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay bằng ngoại tệ...

Lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp kể cả khi chính sách đã ban hành

Đề xuất giải pháp để thúc đẩy tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ông Nguyễn Trúc Lê cho hay: “Theo chúng tôi đầu tiên về phía các cơ quan triển khai chính sách, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của một chính sách, kể cả khi chính sách đã được ban hành”.

Thứ hai là mặc dù đã có hệ thống báo cáo, tuy nhiên cần có hệ thống giám sát, đánh giá phản hồi và hướng dẫn kịp thời với các địa phương.

Thứ ba là rà soát lại các tiêu chí liên quan tới điều kiện đánh giá của các doanh nghiệp, chỉnh sửa các tiêu chí sao cho phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp, thậm chí bổ sung các tiêu chí mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức…

Thứ tư là cần hỗ trợ có mục tiêu. Ví dụ hỗ trợ các doanh nghiệp tạo bệ đỡ kinh tế như doanh nghiệp dịch vụ, logistics, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao….

Ngoài ra, quan điểm của nhóm nghiên cứu: trong dài hạn nên điều chỉnh giảm bớt các chính sách giảm thuế và có thể nên gia tăng các chính sách gia hạn thuế. 

Cuối cùng, một quan điểm trọng yếu nữa của nhóm nghiên cứu là đảm bảo tính minh bạch của các gói hỗ trợ lãi suất, giúp các doanh nghiệp nhận được các gói hỗ trợ phù hợp, tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.