Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: Bản lĩnh đứng đầu một ngân hàng tỷ USD

08:00 | 15/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ nhiệm kỳ 2018 - 2023, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đã đồng hành và dẫn dắt, đưa ngân hàng hàng đầu Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành là ai?

Ông Nghiêm Xuân Thành là người con sinh ra tại Vĩnh Phúc vào ngày 02 tháng 11 năm 1969, tại huyện Yên Lạc. Địa chỉ cư trú hiện nay của ông nằm ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Ông Thành sinh ra trong gia đình có bố đẻ là ông Nghiêm Xuân Bút (sinh năm 1939) đã từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Mẹ ông là bà Dương Thị Thuần (sinh năm 1941), đảm nhận công tác nội trợ, chăm sóc cho gia đình. Hiện nay, bố ông Thành đã nghỉ hưu.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: Bản lĩnh đứng đầu một ngân hàng tỷ USD - ảnh 1 

Chân dung Chủ tịch HĐQT Vietcombank - Ông Nghiêm Xuân Thành

Sau khi trưởng thành, ông Thành kết hôn cùng bà Hà Kim Ngọc, sinh năm 1975. Cả hai vợ chồng đều cùng công tác trong ngành ngân hàng. Họ có 2 người con, trong đó con trai là Nghiêm Xuân Long và con gái là Nghiêm Hà Linh, hiện đang còn đi học.

Về trình độ học vấn, ông Nghiêm Xuân Thành có bằng Thạc sỹ kinh tế với chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Học viện Ngân hàng. Sau này, ông nhận thêm bằng Tiến sỹ. Ngoài ra, năm 2009, ông Thành có trình độ lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bắt đầu từ  tháng 10 năm 1988, ông Nghiêm Xuân Thành đã bước chân vào ngành ngân hàng với vị trí đầu tiên chỉ là một cán bộ nhân viên bình thường của phòng Kế toán, sau đó tới phòng kinh doanh của ngân hàng công thương (VietinBank) Vĩnh Phúc. 

Hiện nay, với bề dày kinh nghiệm và thành tích, ông Thành đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank. Đồng thời ông cũng là Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương.

Sau nhiều năm công tác và cống hiến cho ngành ngân hàng nói riêng và nước nhà nói chung, ông Nghiêm Xuân Thành đã đạt được nhiều danh hiệu như:

Năm 2003, năm 2006: Đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp ngành;

Năm 2005: Được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ;

Năm 2007: Được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

 Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: Bản lĩnh đứng đầu một ngân hàng tỷ USD - ảnh 2

Hình ảnh ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TƯ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tham luận sau khi được chuẩn y

Về giá trị tài sản, tính tới ngày 30/06/2019, ông Nghiêm Xuân Thành nắm giữ 59,025 mã cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Cập nhật theo giá trị cổ phiếu ngày 13/04/2021, khối tài sản này lên tới 5,8 tỷ VNĐ.

Bề dày 33 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng

Quá trình công tác và làm việc của ông Nghiêm Xuân Thành từ năm 1988 đến nay phải kể tới những cột mốc chính và các chức vụ tiêu biểu như sau:

Từ tháng 10/1988 đến tháng 08/1994: Là cán bộ Ngân hàng Công thương Vĩnh Phúc (Phòng Kế toán, Phòng Kinh doanh ngoại hối)

Từ tháng 09/1994 đến tháng 05/1997: Trưởng phòng Kế toán Ngân hàng Công thương Phúc Yên - Vĩnh Phúc

Từ tháng 06/1997 đến tháng 04/1999: Cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo Ngân hàng Công thương Việt Nam(HOSE: CTG)

Từ tháng 05/1999 đến tháng 06/2002: Phó Chánh văn phòng - Thư ký Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam

Từ tháng 07/2002 đến tháng 10/2003: Trưởng Ban thư ký Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam

Từ tháng 11/2003 đến tháng 02/2006: Trưởng phòng Quản lý Rủi ro và Nợ có vấn đề NH Công thương Việt Nam

Từ tháng 03/2006 đến tháng 07/2008: Trưởng phòng Quản lý Nợ có vấn đề Ngân hàng Công thương Việt Nam

 Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: Bản lĩnh đứng đầu một ngân hàng tỷ USD - ảnh 3

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank chia sẻ thông tin bên thềm Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) tổ chức tại Hà Nội

Từ tháng 08/2008 đến tháng 10/2010: Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân

Từ tháng 10/2010 đến tháng 01/2012: Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

Từ tháng 01/2012 đến tháng 06/2012: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam

Từ tháng 06/2012 đến tháng 07/2013 : Chánh Văn phòng - Ngân hàng Nhà nước

Ngày 29/07/2013, Vietcombank chính thức công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về việc bổ nhiệm ông Nghiêm Xuân Thành - thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức Tổng giám đốc.

Từ ngày 1/11/2014, ông Nghiêm Xuân Thành (Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) chính thức được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vietcombank (nhiệm kỳ 2013 - 2018) bởi Hội đồng quản trị VCB, là người kế nhiệm ông Nguyễn Hoà Bình đã nghỉ hưu theo chế độ trước đó.

Từ ngày 27/4/2018, sau cuộc họp Hội đồng quản trị, ông Nghiêm Xuân Thành tiếp tục được bầu trở thành người sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ngân hàng Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023. Đây là nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp mà ông ngồi vào vị trí Chủ tịch để lèo lái con thuyền lớn Vietcombank.

Có thể nói, với hành trình hơn 30 năm làm việc và cống hiến trong các ngân hàng từ cơ sở tới trung ương, cũng kinh qua rất nhiều trọng trách của các chức vụ khác nhau, vị Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành là một người có đủ bản lĩnh để được HĐQT ngân hàng tín nhiệm suốt 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Thời kỳ Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank đã đạt thành tựu gì?

Trong suốt 2 nhiệm kỳ kể từ năm 2013, ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vietcombank. Ông không ngừng đưa ngân hàng đạt được những thành tựu đáng nể trong ngành lịch sử ngân hàng Việt Nam, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong bề dày sự nghiệp của mình.

Cụ thể, trong năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đạt 22.717 tỷ đồng, tăng 26%. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 23.155 tỷ đồng, về đích lợi nhuận tỷ USD trước một năm so với kế hoạch.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành: Bản lĩnh đứng đầu một ngân hàng tỷ USD - ảnh 4

Ngân hàng Vietcombank khẳng định vị thế đầu ngành của mình

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chi còn 0,77%, giảm so với mức 0,97% cuối năm 2018. Có thể thấy, chất lượng nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nợ xấu và nợ ngoại bảng đạt kết quả tốt. 

Chỉ tiêu tín dụng hoàn thành 100% kế hoạch được giao khi đạt mốc tăng 15,9%, cao nhất trong các ngân hàng lớn.

Các chỉ tiêu tài chính tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trung bình (ROAA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn trung bình (ROAE) đạt tương ứng là 1,59% và 25,51%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn so với mặt bằng chung.

Năm 2020, theo danh sách Top 50 Doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc nhất Việt Nam do Vietnam Report công bố, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vinh dự được bình chọn với vị trí dẫn đầu các ngân hàng nội địa.

Trong bối cảnh khủng hoảng kép vừa diễn ra, Vietcombank vẫn đạt được nhiều chỉ số tích cực khi lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỉ đồng tương đương quy mô như năm 2019.

Thu nhập thuần từ hoạt động phi tín dụng chiếm 49,8% thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng 10,7 điểm % so với năm 2019.

Cuối năm 2020 cũng là thời điểm ghi nhận giá cổ phiếu VCB liên tục tăng mạnh, đúng thời điểm ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Tại phiên giao dịch ngày 14/12, giá cổ phiếu VCB đứng ở mức 99.900 đồng/cp, cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Trong vòng 1 tháng cuối năm, cổ phiếu VCB đã tăng hơn 16%. Với mức giá đóng cửa như vậy, vốn hóa Vietcombank đạt hơn 370.000 tỷ đồng, tương đương với gần 16 tỷ USD.

Người đứng đầu Vietcombank cũng cho biết, trong năm 2021, ngân hàng còn có thêm nhiều "của để dành" khác như khoản lợi nhuận trích dần từ thoả thuận bảo hiểm với FWD, cộng với việc nếu thoái vốn ở MB, Eximbank thì nhất định sẽ đạt được các kế hoạch mục tiêu lợi nhuận 25.200 tỉ đồng trong năm nay.

Xem thêm: Thù lao của dàn lãnh đạo ngân hàng năm 2020 `khủng` cỡ nào?

Phương Thúy