TOP 5 doanh nghiệp báo lãi sau thuế cao nhất quý II: Nhà băng chiếm đa số
CTCP Vinhomes (mã: VHM) trở lại vị trí dẫn đầu: Vinhomes vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần đạt 28.218 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, phần doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản ghi nhận giảm hơn 40% so với cùng kỳ, về còn 17.842 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ tổng thầu xây dựng, tư vấn thiết kế và giám sát thi công tăng gấp 7 lần, lên 7.554 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính tăng gần gấp 4 lần lên 8.124 tỷ đồng. Điều này góp phần giúp lãi ròng quý II của Vinhomes tăng 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 10.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kết quả kém tích cực ở quý I, lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinhomes chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.429 tỷ đồng và 11.513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 42% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, nhà phát triển bất động sản thành viên của Tập đoàn Vingroup lên kế hoạch doanh thu cả năm đạt mức kỷ lục 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 35.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 4% so với năm 2023.
Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp này chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Xếp thứ 2 là ông lớn Vietcombank (mã: VCB): Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận quý II đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 20.834 tỷ đồng, tăng 1,6%. Theo đó, VCB ghi nhận 8.125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 9,38% so với cùng kỳ và chiếm 13,34% tổng lợi nhuận của toàn ngành.
Theo số liệu được công bố, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng ghi nhận giảm trong cả quý II và 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân đến từ việc giảm lãi thuần từ gần như tất cả mảng kinh doanh chính của ngân hàng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank giảm 0,8%, lãi thuần từ dịch vụ giảm 4,5% trong khi lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh giảm lần lượt 26% và 76% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 60% so với 6 tháng đầu năm 2023 chỉ mang về hơn 532 tỷ đồng.
Cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro (hơn 40% trong quý II và 33,7% trong nửa đầu năm) đã giúp cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng quay đầu tăng trưởng dương.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã: BID): Ngân hàng này vừa công bố báo cáo tài chính quý II với 6.534 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 17,58% so với cùng kỳ, chiếm 10,73% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Luỹ kế 6 tháng, lãi trước thuế đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%.
Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của BIDV và cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố ở thời điểm hiện tại.
Trong quý II, phần lớn các mảng kinh doanh của BIDV đều ghi nhận tăng trưởng trong kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng 9,5%; lãi thuần từ dịch vụ tăng 16% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng trưởng đột biến tăng lần lượt 120% và gấp 17 lần cùng kỳ năm trước mang về 1.726 tỷ đồng và 512 tỷ đồng.
Theo sau là Techcombank: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã: TCB): Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý II và hợp nhất 6 tháng đầu năm với khoản lợi nhuận cao kỷ lục. Cụ thể, trong quý II, lợi nhuận hợp nhất của Techcombank đạt 7.827 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận ròng của Techcombank đạt 6.270 tỷ đồng, tăng gần 40%.
Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Techcombank ghi nhận được trong 1 quý kinh doanh.
Tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank chủ yếu đến từ động lực tăng của thu nhập lãi thuần (NII), tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đạt 18.000 tỷ đồng. Riêng quý II tăng 50,6% so với cùng kỳ đạt 9.500 tỷ đồng.
Trong quý II, ngân hàng nơi tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT ghi nhận phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, luỹ kế nửa đầu năm phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm.
Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xếp thứ năm là MBBank: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã: MBB) vươn đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng ngành ngân hàng sau quý II với lợi nhuận 13.428 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. MB đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi báo lãi giảm trong quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế quý II của ngân hàng này là 6.101 tỷ đồng.