TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất quý II/2024

Minh Nguyệt 07:28 | 07/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hai quý đầu năm, phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm. "Ông lớn" Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân với tỷ lệ nợ xấu ở mức 212%, gấp 2,5 lần trung bình ngành.

 

Nguồn: BCTC các ngân hàng Đồ hoạ: Vân Miên.

Áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng của các ngân hàng ngày càng tăng trong nửa đầu năm. Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng tiếp tục tăng thêm 20,8% so với 6 tháng đầu năm 2023 trong khi đó số dư dự phòng chỉ tăng 3% với hơn 229.957 tỷ đồng.

Do vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành, tỷ lệ này giảm 14,2 điểm %, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua.

Hiện có 6 nhà băng duy trì được mức bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MB, Techcombank.

Trong đó, MB ghi nhận tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100% so với quý I/2024, cụ thể từ 80,1% lên 101,7%. Bac A Bank đã rời nhóm này trong bối cảnh số dư nợ xấu tăng tới 65,3% luỹ kế 6 tháng đầu năm.  

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1%, giảm thêm 18,2 điểm % so với cuối năm ngoái. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ của Vietcombank từng ở trên mốc 300%. Mặc dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn đang gấp 2,5 lần trung bình ngành. 

Hai đại diện tiếp theo của nhóm Big4 là BIDV và Agribank lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và ba, với tỷ lệ bao phủ đạt 132,3% và 116,1%, giảm 48,7 điểm % và 16,3 điểm % so với cuối năm 2023. Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về MB, Techcombank, BacABank, ACBLPBank và SeABank.

Xét về mức tăng giảm, VietinBank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 167,2% xuống còn 113,8%, nguyên nhân do số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 48% trong 6 tháng đầu năm. Cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ông lớn cổ phần này từng ở mức 188%, Top 5 toàn ngành.

Bên cạnh đó, cũng có 6 ngân hàng cổ phần cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu bao gồm SHB, KienlongBank, Sacombank, TPBank, MSB và PGBank, tuy nhiên mức tăng không quá lớn đều dưới ngưỡng 8 điểm %.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mọi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.