Chung cư vẫn đà tăng giá, người thuê chật vật xoay xở

Linh Khánh/TTXVN 06:38 | 02/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hai tháng đầu năm 2024, giá chuyển nhượng chung cư vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt" khiến cho nhiều người thuê nhà ở Thủ đô gặp áp lực lớn về tài chính khi chủ nhà cũng đột ngột tăng giá cho thuê.

Chung cư tại Khu tái định cư A14 Nam Trung Yên (phố Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp tục tăng với giá chuyển nhượng từ 44 - 47 triệu đồng/1m2. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN.

Chung cư tại Hà Nội liên tục ghi nhận giá bán tăng cao trong vòng một năm trở lại đây với mức tăng ghi nhận đến 75%. Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2024, giá chuyển nhượng chung cư vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt" khiến cho nhiều người thuê nhà ở Thủ đô gặp áp lực lớn về tài chính khi chủ nhà cũng đột ngột tăng giá cho thuê.

Không chỉ đẩy xa "giấc mơ sở hữu nhà" của nhiều người, giá thuê tăng cao còn làm những người có nhu cầu chật vật xoay xở để đảm bảo, duy trì cuộc sống trong điều kiện việc làm, thu nhập còn nhiều khó khăn.

*Nỗi lo thuê nhà

Chị Thu Giang quê ở Vĩnh Phúc lên Hà Nội trọ học cùng thuê chung với bạn 1 căn hộ chung cư ở Cầu Giấy than thở giá nhà tăng cao từ 6 triệu lên 8,5 triệu đồng/tháng nên không thể đủ chi phí thuê phải xin vào ở trong ký túc xá của trường, giảm gánh nặng cho gia đình.

Chị Trần Hồng Hà (quê Hải Dương) cũng chia sẻ, vợ chồng chị đã thuê căn hộ ở khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông) được hơn 1 năm nay. Căn hộ khoảng 60m2, giá thuê 7 triệu đồng/tháng, hợp đồng ký 12 tháng. Đầu năm nay, khi chuẩn bị ký hợp đồng mới, chủ nhà thông báo sẽ tăng tiền thuê thêm 1 triệu đồng từ đầu tháng 3 tới.

"Tôi có hai con nhỏ đang học tiểu học, thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ lo học hành của các con và chi tiêu cơ bản hàng ngày, nay tiền nhà tăng tôi cảm thấy áp lực nặng nề ngay từ đầu năm. Vậy là mối lo lắng của trước đó về việc giá nhà thuê sẽ tăng lên đã thành sự thật", chị Hà than thở.

Cũng theo chị Hà, để tránh việc chủ nhà đòi tăng giá liên tục, trong lần ký hợp đồng này, chị đã cố gắng thỏa thuận với chủ nhà tăng thời hạn ký hợp đồng lên 2 năm/lần và điều kiện là chị phải đóng tiền nhà theo từng quý, thay vì trả tiền hàng tháng như hiện nay.

Ngay sát căn hộ của các bạn sinh viên, anh Thuyết (cán bộ Công ty Thoát Nước Hà Nội) cho hay, gia đình anh tính vay thêm họ hàng tìm mua căn "chung cư mini" mà lo cháy nổ, hoả hoạn không đủ an toàn nên đành phải đi tìm thuê chung cư thương mại dù giá thuê hơn hẳn 1 tháng lương của anh Thuyết.

Không chỉ thuê nhà để ở, phân khúc thuê văn phòng cũng có dấu hiệu tăng giá. Anh Minh Tuấn (Giám đốc một công ty phần mềm) đang thuê căn hộ ở Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm) cũng chật vật tìm cách thương lượng giảm giá thuê với chủ nhà vì giá nhà trong 6 tháng cuối năm liên tục tăng từ 15-20 triệu đồng/tháng. "Tôi loay hoay không biết phải làm thế nào để trả tiền thuê nhà và tiền lương cho anh em nhân viên theo mình từ những ngày chân ướt chân ráo vào nghề", anh Tuấn nói.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn trên, chị My (chủ tiệm gội đầu ở Thanh Xuân) chia sẻ, 2 tháng trước Tết Nguyên Đán 2024 cũng là lúc chuẩn bị hết hợp đồng thuê nhà, chủ nhà thông báo tăng giá thuê từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng/tháng khiến chị vô cùng khó khăn trong việc duy trì cửa tiệm. "Vì lượng khách ở chung cư đã ổn định và hầu hết là khách quen nên việc chuyển đi nơi khác khiến tôi đắn đo và không tìm ra hướng giải quyết khác, buộc phải tiếp tục mưu sinh ở đây", chị My cho biết.

*Cung thấp, cầu cao

 

"Chung cư mini” 9 tầng (sơn màu trắng) tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội vẫn ghi nhận thách thức từ việc hạn chế nguồn cung và sự mất cân bằng sản phẩm cung - cầu, đặc biệt là nhà ở bình dân.

Đáng chú ý, thời điểm quý IV/2023, nguồn cung mới ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua ở cả phân khúc thấp tầng và căn hộ. Điều này dẫn đến giá nhà chung cư ở tất cả các phân khúc từ tái định cư đến trung, cao cấp đều tiếp tục đà tăng. Các giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp, là các căn hộ đã đi vào sử dụng nhiều năm được người dân mua đi bán lại.

Một số khu như: Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm); Nguyễn Chánh (Cầu Giấy), An Bình City - Thành phố Giao Lưu, Ecohome (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), Golden Palace Mễ Trì và Florence (Nam Từ Liêm), Golden Park (Cầu Giấy), Khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm), Phương Đông Green Park (Hoàng Mai), Gemek I (Hoài Đức), Eco Green (Thanh Trì)…tiếp tục tăng giá và chưa có dấu hiệu giảm báo hiệu thêm một năm vất vả cho người thuê nhà tại Thủ đô.

Khảo sát sau Tết Nguyên đán tại các quận, huyện cho thấy, giá thuê căn hộ đã thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn khoảng 5-10% so với năm 2023.

Đơn cử tại dự án Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm), giá thuê căn hộ nhỏ 1 phòng ngủ với đầy đủ nội thất tăng thêm 1-1,5 triệu đồng/tháng (ở mức 7-8 triệu đồng/căn/tháng; căn 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh tăng lên 10 - 12 triệu đồng/1tháng. Hay căn hộ ở Legacy, Thanh Xuân Complex (quận Thanh Xuân); The Nine, Central Field, D’Capitale, Discovery Complex, Mipec Rubik, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); Discovery Central, Vinhomes Metropolis (quận Ba Đình)..., giá thuê căn hộ đồng loạt tăng từ 1-2 triệu đồng/1 tháng so với quý 4/2023.

Thực trạng "nóng" chung cư tại Hà Nội đã tác động rất lớn đến một bộ phận người lao động có thu nhập thấp với mức lương trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/1 tháng. Việc an cư của người dân là vô cùng khó khăn khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá cho thuê chung cư liên tục leo thang bởi giá bán nhà không ngừng tăng nên đi thuê là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Hoặc một số nhóm đi thuê rồi cho thuê lại để phục vụ du lịch trong nước. Mặt khác, xu hướng đô thị hóa ngày càng cao, dân nhập cư vào trung tâm nhiều dẫn đến nhu cầu thuê chung cư, nhà trọ cũng gia tăng.

Dưới góc nhìn kinh doanh, với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, căn hộ cho thuê vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì có tỷ suất lợi nhuận trung bình cao (cộng gộp mức tăng giá theo thời gian và lợi nhuận cho thuê), ở quanh mức 12,5%/năm. Đây là mức lợi nhuận tốt và ổn định hơn so với nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, đất nền, gửi tiết kiệm…

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, các dự án chung cư sơ cấp sẽ có mặt bằng giá cao vì chủ đầu tư phải tối ưu lợi nhuận khi chi phí bị đẩy lên, điều này phần nào lý giải xu hướng nhiều gia đình trẻ đi thuê nhà ở hiện nay. Vì vậy, cách tốt nhất để hạ giá nhà hiện nay là phải tăng nguồn cung.

Theo ý kiến của doanh nghiệp, tình trạng lệch pha cung - cầu nằm ở những vướng mắc trong hệ thống cơ sở pháp lý. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ nên chưa "khơi thông" được thị trường bất động sản.

"Các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền phải tháo được "nút thắt" pháp lý thì mới đẩy nhanh được tiến độ triển khai thực hiện. Tiếp đó, cần đẩy mạnh chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người có nhu cầu thực", đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội kiến nghị.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam chia sẻ, mức giá có thể giảm khi thị trường gia tăng nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân, giảm tỷ trọng nguồn cung căn hộ cao cấp cùng với việc thúc đẩy giao dịch, thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ lãi suất là điều cần thiết.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị Hà Nội tích cực tham gia hoàn thiện các nghị định hướng dẫn cho 02 dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; quan tâm nhiệm vụ quản lý phát triển nhà ở, đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn.

"Về đầu tư phát triển nhà ở xã hội, với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024 rất cao (130.000 căn hộ), Sở Xây dựng Hà Nội phải rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã cấp phép, đã khởi công xây dựng để đăng ký chỉ tiêu năm 2024 khả thi, tích cực hơn; thúc đẩy 28 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư, sớm triển khai xây dựng… ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh trên, theo các chuyên gia, Chính phủ và địa phương cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, "cởi trói" cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở bình dân. Cùng với các dự án để bán, cần có giải pháp để tăng số lượng nhà cho thuê đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và giá cả.

Là địa phương có hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị, song, nguồn cung phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô vẫn còn rất ít, chưa phù hợp với từng đối tượng, nhất là những người có thu nhập thấp. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Hà Nội đang vào cuộc tích cực triển khai hàng loạt giải pháp giúp thị trường phát triển ổn định.

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội xây dựng mới 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và đến năm 2030 xây mới thêm 5,5 triệu m2, đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho đối tượng chính sách. Cùng với đó, Hà Nội tập trung tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án "treo"; chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật...

Đáng chú ý, từ nay đến hết ngày 31/12/2025, UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định giá bán, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; đồng thời, ủy quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do UBND cấp tỉnh quyết định việc đầu tư; ủy quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.

 

Từ khóa: #chung cư