Chuỗi cung ứng cần được nhanh chóng "cấp cứu"

05:45 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt báo cáo dữ liệu trong và ngoài nước đều chỉ ra chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam đang bị tổn thương bởi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19

IHS Markit: Chuỗi cung ứng bị gián đoạn chưa từng có tiền lệ

IHS Markit vốn là một tổ chức hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin, phân tích thông tin và các giải pháp quan trọng cho các ngành công nghiệp và thị trường nhằm thúc đẩy và định hướng các nền kinh tế toàn cầu.

Gần đây, tổ chức này đã công bố một số thông tin đáng chú ý liên quan đến Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers Index (PMI), được thực hiện  bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân ngành sản xuất, dịch vụ, nhằm đánh giá sức khỏe chung của cả nền kinh tế và những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. 

Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Cụ thể, tháng 8 vừa qua chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống 40,2 điểm (mốc dưới 50 là biểu hiện của sự thu hẹp lĩnh vực sản xuất). Tháng 7, chỉ số này của nước ta ghi nhận đạt 45,1 điểm. Con số này cũng là mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, đồng thời, các điều kiện kinh doanh đến nay cũng giảm ba tháng liên tiếp. IHS Markit nhận định tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã trầm trọng hơn kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh hơn trong tháng 8. 

Các biện pháp giãn cách đã làm giảm hoạt động mua và lượng đơn hàng, IHS đánh giá thêm rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có tiền lệ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh khó khăn của các khâu logistics và áp lực với các hải cảng của quốc gia. Điều này, cùng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu nên hệ quả là chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh. 

Khảo sát của tổ chức cũng cho biết thêm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng khi thời gian giao hàng bị kéo dài thêm ở mức kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp. Hiện nhiều doanh nghiệp đã thay đổi kỳ vọng vào sự hồi phục bởi thời gian hạn chế chưa biết khi nào mới kết thúc. 

Chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế

Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất thủy sản, cụ thể là doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước đã phản ánh rằng hiện tại việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn. Hơn nữa, các nhà máy cũng buộc phải công suất chế biến 60 - 70% bởi thiếu hụt công nhân cùng chi phí tăng cao.

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022. Đây chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho tình trạng nhưng trệ chuỗi cung ứng nội địa gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với các nhóm ngành trong nền kinh tế. 

Không chỉ chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước bị đứt gãy. Đáng lo ngại hơn, vấn đề gián đoạn cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vô cùng hoang mang. 

Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế luôn thường trực, tính riêng 4 ngành dệt may - da giày, túi xách, điện tử, gỗ và lâm sản ước tính có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch cả nước, với 8 triệu lao động. Chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy và gián đoạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trong dịch vấn đề ngưng trệ sản xuất đang làm nền kinh tế bị chậm nhịp thì nhìn rộng hơn, khi đã kiểm soát được thì việc phục hồi chuỗi cung ứng càng nhanh, càng tốt lại vô cùng quan trọng bởi nếu không khắc phục nhanh những hệ lụy về an sinh xã hội sẽ sớm xuất hiện.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định: “Điều gì xảy ra sau giãn cách, khi các hộ nông dân, các HTX, các trang trại hầu như đã đóng băng và sẽ không tái sản xuất? Khi các mặt hàng nông sản, thủy sản không thể nào có được trong một thời gian ngắn, điều đó dẫn đến khủng hoảng lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông thủy sản". 

Các chuyên gia nói gì?

Bối cảnh hiện tại, thị trường Mỹ và châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Nên, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động, tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng quốc tế. Vấn đề đảm bảo khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia cũng cần được lưu tâm bởi hàng chục nghìn công nhân về quê dẫn tới tình trạng thiếu lao động. 

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn bởi dịch còn có thể kéo dài. Ông đề nghị bãi bỏ hết các quy định danh mục hàng thiết yếu, vấn đề là đảm bảo an toàn sức khỏe cho tài xế nên cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn. Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong đảm bảo an toàn dịch bệnh cho mình.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ quan điểm rằng phải có biện pháp sống chung với dịch và xây dựng kịch bản thống nhất từ Chính phủ, áp dụng đồng bộ ở các địa phương. Chú trọng nâng cao vai trò, tính tự chủ của doanh nghiệp. “Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy, ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh,” ông Lộc thẳng thắn nhận định. 

 

Tp.HCM đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi cung ứng

Ngày 7/9, Văn phòng UBND Tp.HCM đã đưa ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi liên quan tới kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho giai đoạn sắp tới. 

Chủ tịch TP nhấn mạnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả vắc xin cho các đối tượng cần tiêm sớm như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người sẽ tham gia vào các hoạt động chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, công nhân các nhà máy. 

Kế hoạch tiêm cần được xây dựng chu đáo và linh hoạt với từng địa phương. UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện khi tổ chức tiêm vaccine phải thường xuyên phối hợp, trao đổi với Sở Y tế về số lượng vắc xin cần tiêm mỗi ngày cho mũi 1 và mũi 2. 

Thành phố đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố chia làm 2 giai đoạn: từ 15/9 đến hết năm 2021 và từ năm 2022 trở đi. Lãnh đạo Tp.HCM từng nhiều lần nhấn mạnh tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID là một trong những điều kiện tham gia hoạt động sản xuất sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.