Chuyển đổi số - lựa chọn duy nhất giúp doanh nghiệp hồi sinh sau đại dịch COVID-19
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 40% GRDP. Việc nhanh chóng triển khai các giải pháp số hóa, chuyển đổi số trong nền kinh tế được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp; đồng thời góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, lại chịu sự bào mòn đáng kể sau 2 năm đại dịch COVID-19 diễn ra, quá trình phát triển kinh tế số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, thành phố cần sự dẫn dắt, định hướng và có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Lựa chọn duy nhất giúp doanh nghiệp hồi sinh sau dịch
Dẫn dữ liệu trong một báo cáo được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, ông Dương Thành Long, Tổng giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp như khả năng tiếp cận khách hàng, dòng tiền, duy trì việc làm, lực lượng lao động cho doanh nghiệp và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu do VNPT phối hợp với VCCI thực hiện cũng cho thấy, 69% doanh nghiệp được khảo sát có sự sụt giảm doanh thu so với thời gian trước COVID-19; 56% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn vận chuyển trong nước/quốc tế; 66% năng lực sản xuất bị suy giảm do các hạn chế hoạt động làm việc tại nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội.
"Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số nhanh hơn nữa để có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, với số lượng trên 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do các hạn chế về nguồn lực, khả năng tiếp cận công nghệ", ông Dương Thành Long nói.
Thực tế số liệu từ Tổng cục Thống kê trong năm 2021 cho biết, dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Trong đó, gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 17,8% so với năm 2020; bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021 có 31.660 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, phá sản, chiếm tới 26,4% số doanh nghiệp rút lui của cả nước. Do đó, đại diện VNPT-IT cho rằng, chuyển đổi số được xem là chiến lược tất yếu, là lựa chọn duy nhất để giúp doanh nghiệp có thể sống sót và hồi sinh mạnh mẽ qua đại dịch.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2022 tổ chức ngày 15/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết dịch bệnh COVID-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội. Cuối năm 2021 kinh tế trên địa bàn suy giảm đến 7,4%, hầu hết các doanh nghiệp phải chống chọi, vượt qua vô vàng khó khăn để tồn tại chờ cơ hội để hồi sinh.
Chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số.
Theo ông Phan Văn Mãi, đặc điểm kinh tế TP. Hồ Chí Minh với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế thành phố. Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doang nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh là nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh.
"Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số", ông Phan Văn Mãi nói.
Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số
Để tạo môi trường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cũng tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, trên phạm vi toàn cầu, đại dịch đã thúc đẩy tốc độ áp dụng kỹ thuật số, chuyển đổi sự phát triển khi các doanh nghiệp và người dân chấp nhận các giải pháp hỗ trợ công nghệ trong giáo dục, y tế, giao thông, khí hậu và hơn thế nữa. Do đó, đây là thời điểm phù hợp để thành phố tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, đưa nền kinh tế kỹ thuật số trở thành ưu tiên hàng đầu để phục hồi kinh tế và đầu tư vào khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Theo ông Alfonso Garcia Mora, số hóa là một trong những bước phát triển quan trọng định hình thế giới và có thể thắp sáng con đường dẫn đến một tương lai xanh bền vững. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này cần phải thực hiện bốn bước chính gồm có sẵn chính sách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng; đồng thời đảm bảo không ai (đặc biệt là phụ nữ) bị loại khỏi các hệ thống kỹ thuật số.
Tương tự, Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) cho rằng, thành phố cần phải có độ mở lớn hơn nữa cho các doang nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng kinh tế số.
Trong đó, hai vấn đề hiện nay đang diễn ra gây khó khăn cho quá trình này. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiến hành chuyển đổi số nên cần có khung pháp lý nào đó để các sở ban ngành hoặc các đơn vị tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ tiến hành chuyển đổi số thành công. Đa số doanh nghiệp nước ngoài hay đơn vị phát triển tài chính vẫn đang ngần ngại đưa ra công cụ mới liên quan đến kinh tế số vì họ chưa thấy bộ khung pháp lý cho hoạt động đó.
"Các cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng khung pháp lý cho phép thí điểm (Sandbox) cho những khởi nghiệp và sáng kiến công nghệ mới ở TP. Hồ Chí Minh. Góc nhìn Sandbox nên đưa ra quy chế chung và miễn là mọi người hoạt động trong khung khổ đó thì được phép làm bất cứ thứ gì họ nghĩ ra được, có như vậy các công nghệ số mới nhanh thành công", TS. Hồ Quốc Tuấn nói.
Cùng quan điểm, bà Carolyn (Carrie) Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh có các nền tảng cơ bản cho quá trình xây dựng kinh tế số, vì sở hữu đội ngũ doanh nghiệp số rất lớn, chiếm đến 1/5 doanh nghiệp cả nước về khả năng sử dụng hoàn toàn quy trình số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thành phố cũng đang đi đầu cho phát triển công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn cũng như tính phổ biến số hoá trong dịch vụ tài chính, dịch vụ công…
Mặt khác, để thành công cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế số, bà Carolyn (Carrie) Turk cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần phát triển bộ kỹ năng cho công dân nắm vững công nghệ số thông qua thiết kế các khoá tập huấn, đào tạo. Bởi lẽ, kỹ năng kỹ thuật số là chìa khóa để mở ra những cơ hội mà công nghệ có thể mang lại.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối mạnh mẽ, cũng như đầu tư công và tư vào các dịch vụ tiên tiến hơn như trung tâm dữ liệu, 5G-Internet vạn vật, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được cấp độ tiếp theo của chuyển đổi kỹ thuật số và đạt được lợi thế cạnh tranh. Điều này cũng sẽ giúp thành phố thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao…