Chuyên gia lưu ý nổ bong bóng chứng khoán, bất động sản nếu để lạc hướng dòng tiền
Chia sẻ tại diễn đàn kinh tế mới đây, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng gói hỗ trợ lần này với quy mô tổng thể là 350.000 tỷ đồng đã chỉ đích danh hai mảng chính sách chủ đạo, quyết định sẽ có tác động lớn đối với việc phục hồi, phát triển nền kinh tế là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Trong đó, chính sách tài khóa được xây dựng có nhiều khác biệt so các gói đã triển khai. Theo chuyên gia, trước đây, chúng ta chủ yếu giãn, hoãn, nói cách khác là tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) thì lần này chúng ta trực tiếp giảm các khoản thu vào NSNN.
Với người tiêu dùng, khi đang chịu sức ép bởi thu nhập, việc làm bị tác động tiêu cực do dịch bệnh, việc giảm thuế VAT sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT cũng sẽ giúp kiềm chế việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước phục hồi và tăng nhanh sau dịch bệnh.
Như vậy, việc giảm thuế VAT sẽ giúp đạt hai mục tiêu, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Vị chuyên gia cũng cho biết đây là lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.
Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh cũng lưu ý tới các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản khi thực thi gói hỗ trợ lần này nếu không có biện pháp phù hợp có thể dẫn đến lạc hướng dòng tiền.
"Điều này có thể thổi to bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán. Hệ quả là nổ bong bóng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi còn yếu như hiện nay, điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng", vị chuyên gia lưu ý.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng cần hạn chế ở mức thấp nhất khả năng xảy ra bong bóng với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán khi tiền từ các gói hỗ trợ chảy vào thị trường.
“Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu ở cả doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và nợ xấu do thôi thực hiện các biện pháp cơ cấu lại. Điều này sẽ làm bức tranh nợ xấu nghiêm trọng hơn”, chuyên gia nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng, gói hỗ trợ lần này gần như là một gói hỗ trợ toàn dân. Hầu hết người dân, phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, trong chính sách có những gói không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng cùng thuộc đối tượng nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể.
Lấy ví dụ về gói hỗ trợ lãi suất 2%, đây là gói hỗ trợ sẽ tác động rất rộng, rất mạnh đến doanh nghiệp vì Chính phủ bỏ ra 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất và tác động đến 2 triệu tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp.
“Nếu không cẩn trọng, có thể 2 triệu tỷ này chỉ dồn vào một nhóm doanh nghiệp lớn nào đó. Thậm chí chưa chắc là đối tượng đã thực sự khó khăn”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng không cần quá nhiều nhưng nếu không có thì không thể phục hồi, phát triển.
Theo ông Hoàng Văn Cường, độ phủ của chính sách giảm lãi suất lần này rất rộng, trong bối cảnh các đối tượng nhỏ thường không có điều kiện để vay tín dụng truyền thống, không có tài sản bảo đảm hoặc đang có khoản vay chưa thanh toán… Vì vậy, nếu đặt ra các điều kiện không vi phạm tiêu chuẩn cho vay thì nhóm này nhiều khả năng sẽ bị loại.
Ông cho rằng phải có một phương thức hành động khác trong kiểm soát các chương trình hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể, thay vì kiểm soát bằng các điều kiện tín dụng thì nên chuyển sang hình thức ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp. Trong đó, ngân hàng sẽ theo dõi doanh nghiệp vay tiền để làm gì, mua hàng, mua nguyên vật liệu và có thể trả tiền trực tiếp cho bên bán để doanh nghiệp nhận nguyên vật liệu về sản xuất.
Sau đó, ngân hàng tiếp tục theo dõi quy trình sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm, thu ngay đồng tiền bán hàng để quay trở lại. Như vậy, ngân hàng sẽ quản lý cho vay thông qua dòng tiền thay vì tài sản hay thế chấp thông thường.
“Nếu được vậy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự có hoạt động phát triển, phục hồi thì sẽ được hưởng chính sách này. Còn các đối tượng dùng tiền đó để quay vòng, gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản thì sẽ kiểm soát được ngay”, ông Cường nhấn mạnh.