Chuyên gia nói về thị trường TPDN: Khó kiểm soát kiểu 'đồng này mua mắm, đồng này mua tương'
Kênh trái phiếu doanh nghiệp phải song hành cùng tín dụng ngân hàng
Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu trong nước đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương 37,4% quy mô GDP nền kinh tế, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khoảng 14,8% GDP.
Mặc dù phát triển nhanh trong những năm qua, quy mô thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (dư nợ TPDN khoảng 25% GDP), Singapore (38% GDP), Malaysia (56% GDP)… Giới chuyên gia nhận định thị trường TPDN trong nước còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai để giải nhiệt cho hệ thống ngân hàng thương mại vốn đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn.
Dẫn chứng cụ thể về tiềm năng thị trường TPDN, TS Cấn Văn Lực nhắc lại mục tiêu trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 của quốc gia, theo đó đến năm 2025, dư nợ trái phiếu sẽ đạt 47% GDP, trong đóng 20% là TPDN. Đến năm 2030, dư nợ trái phiếu đạt 58% GDP, trong đó 25% là TPDN.
Ông Lực cũng viện dẫn nhu cầu rất lớn về vốn trung và dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế. “Ngoài tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, ước tính mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1.000.000 tỷ đồng vốn trung và dài hạn”, TS Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, song song với tiềm năng, ông Lực cho rằng cần có giải pháp kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tương đối nóng trong thời gian qua. “Kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn”.
Tương tự ý kiến của TS Cấn Văn Lực, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định TPDN là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, song hành cùng kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, điều này vô hình chung làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, kéo theo nguy cơ làm chậm nhịp phục hồi và phát triển của đất nước.
Kiểm soát quá chặt mục đích sử dụng vốn TPDN là không khả thi, phải phát triển thị trường đánh giá tín nhiệm
Cũng tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước nêu ra 6 nhóm giải pháp nhằm lành mạnh, minh bạch hóa thị trường TPDN.
Đầu tiên, theo vị này, quan điểm kiểm soát thị trường TPDN chuyển từ thái cực mở sang chặt chẽ hơn trong thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập, chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường. “Nếu cứ tiếp tục siết như vậy, Việt Nam khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, hay đạt đến mục tiêu dư nợ TPDN 20% GDP”, ông Hòe cảnh báo.
Vị này cho rằng giải pháp tổng thể đầu tiên là cách tiếp cận với thị trường TPDN phải đảm bảo độ mở, nguyên lý thị trường để cân bằng vốn dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và tiềm năng phát triển thị trường.
Thứ hai, theo ông Hòe, cách tiếp cận tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP về hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu là chưa phù hợp.
"Trước kia, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị, mức vay nợ tổng thể với doanh nghiệp, bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng vay của các tổ chức khác…. Mỗi loại hình sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau. Nói ví dụ ngành thương mại được tài trợ 70% còn 30% là vốn tự có, còn ngành công nghiệp là 50-50%. Ta phải dựa trên phân tích đặc thù ngành nghề để có hạn mức, chứ không nên cào bằng”, ông Hòe nhận định.
Thứ ba, vị này cho rằng một tồn tại lớn khác trên thị trường TPDN là các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoàn toàn thiếu thông tin bất chấp sự bùng nổ nóng của thị trường. Vấn đề này bao hàm trách nhiệm của nhiều chủ thể liên quan, từ doanh nghiệp phát hành, công ty trung gian dịch vụ cho đến nhà đầu tư, trong khi đó hành lang pháp lý vẫn còn “bỏ ngỏ”.
“Cần quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết”, ông Hòe nhấn mạnh.
Ở nhóm giải pháp thứ tư, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng việc kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn TPDN là không khả thi mà cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định. "Đồng tình rằng phải có sự kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nhưng tiền đã vào túi doanh nghiệp thì không thể cứ phân biệt rạch ròi đồng này mua mắm, đồng này mua tương”.
Thứ năm, ông Hòe khẳng định trong tầm nhìn dài hạn cho thị trường trái phiếu, cần xác định rằng đã là công cụ nợ thì phải có thị trường thứ cấp, được mua đi bán lại. Kèm theo đó, tất cả các công ty đã phát hành trái phiếu phải được yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và chịu trách nhiệm xếp hạng tín nhiệm liên tục. Khi công ty đã được xếp hạng tín nhiệm thì phải đảm bảo được thanh khoản, bằng cách được các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư mua đi bán lại trên thị trường.
Cuối cùng, cũng liên quan đến vấn đề xếp hạng tín nhiệm, ông Hòe gợi ý rằng cần có dòng vốn hoặc hỗ trợ ngân sách của Chính phủ cho các công ty xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát triển tốt, đủ tiềm lực đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao, từ đó mới tạo nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Đồng tình với khuyến nghị về vấn đề đánh giá tín nhiệm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng khẳng định đây là giải pháp bắt buộc mà các nước thường sử dụng để kiểm soát thị trường TPDN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc đánh giá tín nhiệm thông qua các công ty chuyên nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá cụ thể về rủi ro và cân bằng, minh bạch thông tin trên thị trường.
Vị này nêu vấn đề rằng việc quản lý nhà đầu tư hiện nay đang gặp trục trặc, một phần do dòng vốn trong dân tương đối lớn. Để so sánh, ông Tuấn chỉ ra ngay cả với vốn vay ngân hàng, mặc dù có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp nhưng bản thân ngân hàng quản lý doanh nghiệp vay vốn và sử dụng vốn vẫn gặp nhiều khó khăn; do đó việc nhà đầu tư cá nhân phải quản lý sử dụng vốn còn khó hơn nhiều.
“Tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh, điển hình như bất động sản, đất đai. Cứ hình dung nếu doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu mà phát mại tài sản đó, thì ở Việt Nam hiện nay, quy trình rất phức tạp…. Chỉ thu hồi cho vài chủ nợ đã khó, đằng này phải thu hồi cho hàng trăm, hàng nghìn chủ nợ thì rõ ràng là một thách thức rất lớn”, ông Đậu Anh Tuấn cho ý kiến.
Do đó, vị này khẳng định định giá tín nhiệm là một giải pháp rất quan trọng, tiếc là giải pháp này tại Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP còn hơi mờ nhạt.