Chuyên gia: Vẫn thiếu thị trường mua bán nợ hiệu quả
18:08 | 18/11/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài chính tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng: Việc giải quyết nợ xấu ở Việt Nam vẫn còn thiếu thị trường mua bán nợ hiệu quả để thu hút các nguồn lực.
Những năm qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm nợ xấu, trong đó giải pháp quan trọng là áp dụng mô hình xử lý nợ và môi trường thể chế cho xử lý nợ xấu. Cụ thể, Việt Nam hiện đang áp dụng kết hợp mô hình phân quyền (gồm các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại của các ngân hàng) và mô hình tập trung (gồm DATC và VAMC) trong xử lý nợ xấu. Về môi trường pháp lý, nhiều giải pháp, cơ chế chính sách và đề án xử lý nợ được ban hành ở cả phía Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng tiến trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: Hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện, hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng, chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước trong khi còn nhiều nhu cầu được xử lý nợ, xử lý tài sản ở các lĩnh vực khác…
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: Chính phủ đã dành nhiều quan tâm và đưa ra những quyết sách đối với công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo Thứ trưởng, về cơ chế, chính sách pháp luật, Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, trong đó có mua bán nợ xấu. Hiện nay, Việt Nam có 2 tổ chức là DATC và VAMC thời gian qua đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ.
Đồng quan điểm, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hiện Việt Nam có khá đầy đủ hành lang pháp lý giải quyết nợ xấu như: Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Các văn bản này đã khắc phục được những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng nhanh hơn, phát triển an toàn các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu vẫn còn có nút thắt. Đó là thiếu thị trường mua bán nợ hiệu quả để thu hút các nguồn lực.
Đưa ra giải pháp cho nợ xấu, tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng: Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường mua bán nợ. Đồng thời phải xây dựng được cơ chế có chế tài đủ mạnh và chặt chẽ đảm bảo điều hành thị trường mua bán nợ một cách công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó cần có chế độ ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính… để tạo lập sự thuận lợi và hấp dẫn bước đầu cho thị trường mua bán nợ. Cùng với đó, cần tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để các tổ chức kinh tế - tài chính trong và ngoài nước có đủ điều kiện hoạt động mua bán nợ, nhất là các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Vì vậy, để phát triển thị trường mua bán nợ, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường này, mở rộng phương thức mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.