Chuyên gia Võ Trí Thành: “Quý 3/2021 tăng trưởng có thể âm”

Vneconomy 07:26 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm nay sẽ là năm kỷ lục của khó khăn khi đợt dịch Covid-19 thứ tư đánh thẳng và đánh mạnh vào doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định…

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngày 24/9, chuyên gia Võ Trí Thành lưu ý dịch Covid-19 đã đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp lớn trên cả nước.

Tháng 3/2021 là Hải Dương, tháng 4-5/2021 là Bắc Ninh, Bắc Giang và sau đó tháng 7-8/2021 là các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây và đặc biệt TP.HCM. Kết quả là hàng loạt chỉ số về sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa và hành khách, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động… xấu đi một cách nhanh chóng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

“Nhiều khả năng chúng ta sẽ có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ những năm 80”, ông Thành dự báo và cho rằng nếu quý 4/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3-4%. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nếu nhìn vào đà phục hồi và thành công của năm 2020.

Theo vị chuyên gia này, khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường, sẽ là 4 nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.

Liên quan tới chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 với 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, các giải pháp chưa phải là các giải pháp cụ thể, có thể làm luôn mà mới được giao cho các bộ ngành phải hoàn thành vào cuối tháng 9/2021.

Riêng chính sách tiền tệ, ông Thành lưu ý bên cạnh việc giãn, hoãn, khoanh nợ cần giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần giữ ổn định thanh khoản chung của hệ thống, dùng trần tín dụng để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay.

Về chính sách tài khóa, vị chuyên gia rằng việc mở rộng hơn phạm vi hỗ trợ gồm người dân và hộ kinh doanh là cần thiết. Bên cạnh việc giãn, hóa các khoản thuế phí, thuế đất… cần tính đến việc giảm thuế VAT, thuế thu nhập và lựa chọn những ngành chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19 như hàng không, những ngành lan tỏa nền kinh tế để tính toán giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, cùng với chương trình hỗ trợ trên, theo chuyên gia Võ Trí Thành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng chương trình hồi phục và phát triển doanh nghiệp trong 2 năm 2022-2023, trong đó có bao gồm giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bắt kịp với đà phục hồi của thế giới, cải tổ doanh nghiệp gắn với các xu thế lớn của thế giới về cách mạng tiêu dùng, chuyển đổi số, năng lượng mới, dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư…

“Điều đó cho thấy Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là các giải pháp này có đủ không? Quy mô ra sao? Thời gian thục hiện thế nào? Và đặc biệt có chấp nhận mức thâm hụt ngân sách sâu hơn để cứu trợ nhiều hơn và dài hơn không?”, ông Thành đặt câu hỏi.