Chuyện lạ: Cao tốc trọng điểm Phan Thiết - Dầu Giây chậm tiến độ vì... thiếu đất
Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dài 100 km, với 4 gói thầu. Nhu cầu đất đắp nền dự án cao tốc thành phần này cần tới 5,4 triệu m3 đất đắp nền đường.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt, ngay tại địa bàn Đồng Nai có 10 mỏ đất đắp với trữ lượng dồi dào lên tới 9 triệu m3, 6 mỏ đá các loại với trữ lượng hơn 40 triệu m³.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần lớn các mỏ đất đắp chưa được cấp phép khai thác, nguồn đất đang thiếu trầm trọng, khiến các dự án cao tốc không theo kịp tiến độ đề ra, đẩy các nhà thầu rơi vào nguy cơ chậm tiến độ.
Liên doanh Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Trung Chính (liên doanh Vinaconex – Trung Chính) là nhà thầu thi công gói thầu số 3 có tổng chiều dài 35km.
Hiện tại, gói thầu đã triển khai thi công, nhu cầu cần là 3,4 triệu m3 đất san lấp. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu mới lo được hơn 1,2 triệu m3. Đáng chú ý, phần lớn khối lượng đã có này đều là đất tận dụng trong quá trình bóc đất trên tuyến. Nếu tiếp tục phải sử dụng đất tận dụng, trong tháng 6.2021, nhà thầu sẽ không còn khả năng tìm kiếm nguồn vật liệu là đất cho dự án.
Tại gói thầu số 4 có chiều dài 16 km do liên doanh Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là nhà thầu. Để có thể tiến hành, cần phải có gần 1 triệu m3 đất đắp nền. Cố gắng đảm bảo tiến độ, nhà thầu đã phải "lặn lội" hơn 20km mua hàng trăm nghìn m3 đất ở mỏ đá Núi Nứa (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), tốn thêm nhiều chi phí vận chuyển mà khả nằng cung ứng lại rẩt chậm.
Hình ảnh tại buổi lễ khởi công tuyến cao tốc vào năm ngoái
Gần nhất, ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã phải lên tiếng về việc thiếu đất san lấp đang gây thiệt hại rất lớn về tài chính đối với các nhà thầu cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Và đồng thời khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Nếu tiến độ chậm cao tốc tiếp tục chậm trễ, rất có thể các nhà thầu sẽ bị đưa vào diện cảnh báo của Bộ Giao thông vận tải như trường hợp tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu đã có văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương, chính quyền tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nhanh chóng cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Tại cuộc họp với Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chiều ngày 3/6, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt sẽ yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh giải quyết cho chủ đầu tư một số vị trí khai thác đất theo mục đích cải tạo đất nông nghiệp, giảm thiểu phần nào thiệt hại liên quan đến thiếu đất san lấp khi xây cao tốc.
Được biết, tình trạng thiếu đất san lấp nói riêng, thiếu vật liệu thi công nói chung không chỉ diễn ra tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, mà một loạt các dự án thành phần khác thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam nhanh phía Đông cũng bị chậm trễ bởi thiếu nguồn vật liệu, đất đắp thi công.
Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tính đến hết ngày 31/5/2021, hiện chỉ có hai dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (sản lượng 72,1%) và cầu Mỹ Thuận 2 (33,89%) đang đảm bảo tiến độ đã đặt ra.
Còn lại những dự án dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam nhanh phía Đông đều thi công chưa đạt yêu cầu về thời gian bao gồm: Cam Lộ - La Sơn (đạt 51,5%, chậm 4,4%), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đạt 9,1%, chậm 0,4%), Mai Sơn - QL45 (đạt 10,7%, chậm 2,2%), Phan Thiết - Dầu Giây (đạt 6,6%, chậm 1,8%).
H.S
Xem thêm: Trong 10 năm tới phải có 4.000 km cao tốc mới, gấp 3 lần hiện tại, ngân sách chỉ là vốn mồi