Cơ cấu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam có gì đặc biệt?

Lạc Lạc 09:06 | 15/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng tốc độ giảm ở Mỹ cũng cao nhất với gần 18% trong 8 tháng đầu năm.

 Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu  hàng hóa tháng 8 ước đạt 61 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 435 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 209 tỷ USD.

Xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi

Hoạt động xuất khẩu trong tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%.

Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI  (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô). Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.

Về cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng 8 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỷ USD), nhóm nông thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỷ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỷ USD).

Các mặt hàng chủ lực và thường xuyên chiếm tỷ trong cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may,... cũng đều sụt giảm.

Đa dạng thị trường mở ra cơ hội xuất khẩu

Về thị trường, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 5,5%; thị trường châu Âu giảm 6,9%; thị trường châu Mỹ giảm 17,8%; thị trường châu Phi tăng 1,1%; châu Đại dương giảm 12%).

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1%. Thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN ước đạt 21,79 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc giảm 7,3%, ước đạt 15,5 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 15,23 tỷ USD, giảm 3,9%.

Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%... cho thấy những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)