Cổ đông ngoại của Vinamilk ‘lại’ đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu

Trang Mai 08:57 | 17/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đó, Platinum Victory Pte. Ltd. (Singapore) do ông Alain Xavier Cany - Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) - Đại diện theo uỷ quyền tiếp tục đăng ký mua gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch từ ngày 22/12 đến 19/1/2023.

Hai quỹ ngoại đăng ký mua cổ phiếu hơn 10 lần nhưng đều không thành công

Cụ thể, Platinum Victory Pte. Ptd - một trong 3 cổ đông lớn tại Vinamilk đã đăng ký mua vào 20,9 triệu cổ phiếu VNM với mục đích gia tăng cổ phần. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ 22/12 đến 19/1/2023 bằng phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn giao dịch hoặc thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Tạm tính giá kết phiên 16/12 là 78.000 đồng/cp, Platinum Victory Pte. Ptd dự chi 1.630 tỷ cho thương vụ gom vào này. Nếu mua thành công, quỹ ngoại này sẽ nâng số cổ phần đang nắm giữ từ 221,86 triệu (tương đương 10,62% vốn điều lệ) lên 242,76 triệu (tương đương 11,62% vốn điều lệ). 

Đáng chú ý, quỹ ngoại này thường xuyên thông báo gom mua cổ phiếu VNM sau đó không mua vào cổ phiếu nào do “điều kiện thị trường không thuận lợi”. 

Cùng với Platinum Victory Pte. Ptd, quỹ F&N Dairy Investments Pte.Ltd cũng nhiều lần đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM, theo đó dự kiến nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên trên mức 390 triệu cổ phiếu, chiếm 18,69% vốn nhưng đều không thành công với lý do tương tự. 

Chỉ tính riêng trong năm 2022, hai tổ chức này có hơn chục lần đăng ký mua cổ phiếu VNM nhưng đều không thành. Tính đến thời điểm hiện tại, F&N Dairy Investments PTE.LTD đang nắm giữ 369,75 triệu cổ phần, tương ứng 17,69% vốn của Vinamilk và là cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau SCIC. Trong khi đó, Platium Victory Pte. Ptd đang giữ gần 221,9 triệu cổ phiếu VNM, đứng thứ ba trong danh sách cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Theo CafeF, động thái này của quỹ ngoại theo các chuyên gia là hành động đăng ký mua để chờ. Tức khi có biến động thị trường xấu, cổ phiếu giảm mạnh họ có thể mua chủ động mà không có vi phạm các quy định của luật chứng khoán. Đây đều là các cổ đông lớn của các doanh nghiệp trên, do đó việc mua gia tăng sở hữu sẽ không phải mua bằng mọi giá nữa.

Lãi ròng 9 tháng hơn 6.700 tỷ, Vinamilk sắp chi 2.900 tỷ tạm ứng cổ tức

Về tình hình kinh doanh của Vinamilk, luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp sữa ghi nhận doanh thu thuần 44.888 tỷ đồng, giảm 0,2% và lãi ròng 6.708 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng 2021. Như vậy, tính đến tháng 9, doanh nghiệp đã hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. 

 

Đến 30/9, tổng tài sản của Vinamilk đạt 51.199,9 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 22.402 tỷ đồng, tương đương khoảng 44% tổng tài sản; bao gồm: 1.904 tỷ đồng tiền mặt, 963 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 19.533 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Hàng tồn kho của Vinamilk ghi nhận 5.777 tỷ đồng, giảm gần 15% so với đầu năm.

Doanh nghiệp ghi nhận nghĩa vụ nợ 17.356 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận gần 9.478 tỷ đồng, chiếm khoảng 55% tổng nợ. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 33.844 tỷ đồng.

 

 

Ngày 12/12, HĐQT của Vinamilk đã đưa ra thông báo về ngày cuối cùng để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 của năm 2022 bằng tiền. Theo đó, Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/12 với tỷ lệ thực hiện tạm ứng là 14%/mệnh giá (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng).

Như vậy, với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp ước tính sẽ chi khoảng 2.926 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 2. Ngày thanh toán dự kiến là 28/2/2023. 

Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 8, Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền và phần cổ tức còn lại của năm 2021 (9,5%) với tổng tỷ lệ 24,5% bằng tiền mặt, tương ứng 2.450 đồng/cp. 

Qua 2 đợt trả cổ tức, Vinamilk đã chi khoảng 8.000 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ với cổ đông. 

Theo ước tính của VNDirect, VNM sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt tăng trưởng 6,3%/6,5% và 3,6%/7,6% so với cùng kỳ trong năm 2022 - 2023. Các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh thu nội địa sẽ tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ nhờ những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại và tái cấu trúc các kênh phân phối. Ban lãnh đạo cho biết, VNM đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ vào tháng 7/2022. Cũng theo tổ chức này, giá cổ phiếu VNM sẽ tiếp tục chịu áp lực khi giá sữa bột nguyên liệu vẫn còn cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng VNM vẫn phù hợp để nắm giữ trong dài hạn nhờ kết quả kinh doanh ổn định, bảng cân đối tài chính lành mạnh và tỷ suất cổ tức ổn định. Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa sẽ tăng 6% so với cùng kỳ trong 2022. Nhờ đó, VNM với vị thế dẫn đầu ngành sữa sẽ tăng trưởng trên sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch.

Nhận định về triển vọng Vinamilk nói riêng và doanh nghiệp ngành sữa nói chung, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhập khẩu sữa nguyên liệu có thể làm tăng chi phí đầu vào trong nửa cuối năm 2022 đối với các nhà sản xuất sữa Việt Nam là những công ty nhập khẩu lượng lớn sữa nguyên liệu như Vinamilk, IDP hay TH True Milk. 

Giá đường tăng cũng là một yếu tố quan trọng khác khiến chi phí đầu vào tăng vọt, kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa giảm. Dù vậy, Vinamilk được nhận định sẽ ít bị ảnh hưởng từ sự tăng giá đường hơn nhờ vào việc sở hữu một công ty mía đường.