Có gì nổi bật trong bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm?

Trang Mai 07:00 | 30/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 6/2023 của Việt Nam ước đạt 56 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu rau quả thu về 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng - con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này.

Le lói tín hiệu sáng từ số liệu xuất khẩu tháng 6

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước tuy vẫn giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng so với tháng liền trước sau mức giảm hồi tháng 4.

 

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản, vượt qua cả thuỷ sản. Đặc biệt là mặt hàng sầu riêng sau khi được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch.

Giá trị xuất khẩu rau quả đã tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5/2023 khi đạt trên 400 triệu USD; tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó. Tháng 5, xuất khẩu rau quả cũng đã thiết lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 656 triệu USD, tăng hơn 80% so với tháng 5/2022.

Sang tháng 6, xuất khẩu rau quả càng “bùng nổ” với mức tăng gấp 2,7 lần so với tháng 6/2022, đã đưa kim ngạch của ngành hàng lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. 

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2022. 

 

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ chiều 18/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phân tích, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Đáng nói, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Trong 6 tháng, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 28 mặt hàng có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Riêng có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 38%; bao gồm: máy vi tính, điện tử và linh kiện với 38,26 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 19,72 tỷ USD. 

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,6 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50 tỷ USD.

 

Xuất khẩu sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2023?

Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Các dự báo cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới.

Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải dự báo, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Và với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng.

"Chúng ta thấy tình hình sụt giảm hiện nay thì chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp chúng ta hiện nay vẫn rất là tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Thì đấy là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp chúng ta có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi mà thị trường được cải thiện" - ông Trần Thanh Hải nêu rõ.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II của Tổng cục Thống kê, có 34% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng trong quý III,  có 32% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới. 

Tuy vậy, dưới góc nhìn thận trọng, trong báo cáo vĩ mô ngày 18/5, CTCP Chứng khoán VNDirect đã hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống -2%. Đơn vị này cho rằng xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, kéo theo đó là lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất của Việt Nam sụt giảm. Theo Hiệp hội dệt may, khó khăn về đơn hàng xuất khẩu có thể kéo dài đến hết quý III năm nay, tiêu cực hơn so với dự báo trước đó là cuối quý II.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi hoàn toàn khi thị trường phục hồi. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công suất hoạt động, giảm giờ làm, thậm chí sa thải nhân viên. Do đó, doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi sản xuất ngay cả khi đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng xuất khẩu có thể phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong báo cáo giữa tháng 5, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cũng cho rằng tình hình xuất khẩu quý II gặp khó khăn,trước khi phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu, VinaCapital nhận định: "Khi nhìn vào tình hình hàng tồn kho tại Mỹ và toàn thế giới, chúng tôi thấy hàng tồn kho tại Mỹ đang giảm với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tăng nhanh và đạt đỉnh ở cuối năm 2022 với mức tăng trưởng là 20% so với cùng kỳ, và con số này hiện đang giảm nhanh về mức 10% và sẽ tiệm cận mức 0% vào cuối năm nay. Vấn đề hàng tồn kho dự báo sẽ được giải quyết vào cuối năm nay, do đó chúng tôi tin rằng triển vọng cho khối sản xuất đang dần tích cực trở lại và các đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2023".