'Ước tính xuất khẩu thuỷ sản tháng 6/2023 đạt 800 triệu USD'

Tố Uyên 17:38 | 28/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP khi trao đổi với phóng viên chiều 28/6. Trong bối cảnh hàng tồn kho tại các thị trường lớn (tiêu biểu là Mỹ) còn lớn, các nhà nhập khẩu sẽ cần thêm để giải phóng hàng tồn. Do đó, những điểm sáng có thể sẽ xuất hiện vào dịp cuối năm.

Xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá ngừ tiếp đà sụt giảm

5 tháng, xuất khẩu cá tra giảm 40%

Theo thông tin mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các chuyên gia chia sẻ, biến động của thế giới như chiến tranh, và tình hình lạm phát toàn cầu khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục sụt giảm. 

Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 5 đạt giá trị 160 triệu USD, giảm 36% so với tháng 5/2022. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 đạt 730 triệu USD, giảm 40%.

Xét về thị trường, tính đến hết tháng 5/2023, Trung Quốc đại lục & Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục dẫn đầu về giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị 233 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ đơn lẻ cá tra lớn nhất với 217 triệu USD.

Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với 118 triệu USD, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 5, thị trường này cũng giảm 53% và chỉ đạt 32 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm trong 5 tháng đầu năm nay do lượng tồn kho còn nhiều.

Xếp ở vị trí thứ 3 là thị trường các nước Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tổng giá trị nhập khẩu đạt 94 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mexico tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong khối với kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đó là Singapore, Canada, Nhật Bản.

Trong khi hầu hết các thị trường trong khối đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam, duy nhất Singapore ghi nhận tăng trưởng dương 16% với giá trị 15 triệu USD.

VASEP thông tin, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 77 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường trong khối giảm từ 23% - 30%, tiêu biểu như: Hà Lan giảm 27%, Bỉ giảm 24%, Tây Ban Nha giảm 31%...

Ngoài EU, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác cũng sụt giảm như: Sang Brazil giảm 24%, sang Thái Lan giảm 48%, sang Colombia giảm 30%.

Tuy nhiên, vẫn còn điểm sáng trong số các thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Điển hình như thị trường Đức với mức tăng trưởng 67% bất chấp lạm phát. Người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm đông lạnh để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, thị trường Anh và Saudi Arabia cũng ghi nhận tăng trưởng lần lượt 8% và 50%.

 

Theo đó, những tác động của mâu thuẫn Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu kéo dài cùng với lượng tồn kho đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường trong suốt 5 tháng đầu năm 2023. Sản xuất và xuất khẩu cá tra đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.

VASEP cho rằng, khi doanh nghiệp giảm doanh số thì các nhà máy thức ăn, con giống cũng bị giảm sản lượng sản xuất. Vì vậy, các bên nên cùng phải hợp tác, đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng mong Chính phủ và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời về gói hỗ trợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay giúp doanh nghiệp có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này.

Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng giảm 31%

Cũng theo thống kê từ VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 5 vẫn tiếp tục giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 70 triệu USD. Do đó, tính lũy kế 5 tháng đầu năm xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 317 triệu USD.

 Mỹ đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: VnEconomy

Trong số 97 thị trường nhập khẩu, Mỹ vẫn là thị trường đơn lẻ lớn nhất của cá ngừ Việt Nam, chiếm 37% tỷ trọng. Luỹ kế 5 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 117 triệu USD, giảm 53%. Riêng trong tháng 5 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của FAS.USDA, 4 tháng đầu năm 2023, tổng nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ đạt hơn 99.000 tấn, trị giá 662 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết quốc gia xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đều sụt giảm.

Hiện tại lượng tồn kho tại thị trường Mỹ đã giảm dần, lạm phát cũng giảm nhưng người dân vẫn phải đang đối mặt với các khoản nợ trước đó nên nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu hàng hoá của Mỹ hầu hết đều đang nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến cuối năm nay nhập khẩu cá ngừ của Mỹ mới có thể phục hồi trở lại.

Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường tham gia CPTPP cũng sụt giảm trong tháng 5. Kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này giảm 18%, đạt hơn 10 triệu USD.

Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 46 triệu USD, giảm 15%. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất trong khối là Nhật Bản và Canada đều sụt giảm mạnh, lần lượt 32% và 31%.

Tại thị trường Nhật Bản, lạm phát kéo dài đã đẩy giá hàng hóa lên cao. Tuy hiện giá hàng hóa đã được điều chỉnh phần nào nhờ các chương trình trợ cấp năng lượng của chính phủ nhưng vẫn gây sức ép lên hoạt động tiêu dùng, làm sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản sụt giảm. Điều này đã tác động tới nhập khẩu cá ngừ của nước này.

Tuy nhiên, vẫn còn điểm sáng của mặt hàng khi xuất cá ngừ sang EU lại tăng trong tháng 5, với mức tăng 15% so với cùng kỳ, đạt gần 17 triệu USD. Sự tăng trưởng này có được là nhờ sự tăng trưởng của 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối là Đức và Hà Lan. Tính riêng trong tháng 5, xuất sang 2 thị trường này tăng mạnh lần lượt 66% và 172%.

Xuất cá ngừ sang Israel cũng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 với mức tăng 110%. Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm lên gần 21 triệu USD, tăng 83%.

"Sản lượng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6 sẽ tương đương tháng 5"

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, có 3 yếu tố tác động trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu thuỷ sản là tồn kho, nhu cầu và cạnh tranh. 

Xét về tồn kho, sau khi các nhà nhập khẩu của Mỹ tăng mua một cách ồ ạt trong nửa đầu năm 2022 với tâm lý dự trữ và dự báo thị trường thiếu hụt nguồn cung trong năm ngoái. Do vậy, các nhà nhập khẩu Mỹ cần thời gian để giải phóng lượng hàng tồn kho. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra chắc chắn giảm khiến cho giá hàng nhập mới bị cạnh tranh và dìm giá, đó cũng là một nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh.

3 mặt hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ là tôm, cá tra, cá ngừ. Trong đó tôm và cá tra chiếm tỷ trọng chi phối. Bàn về câu chuyện cuối năm, nếu tồn kho 2 mặt hàng này giảm đi ở thị trường Mỹ thì nhập khẩu sẽ tăng trở lại. 

Về nhu cầu, nửa cuối năm là thời gian các đơn vị nhập khẩu có những đơn hàng để mua hàng cho năm mới, Giáng sinh, phục vụ cho năm tới.

Với các thị trường cạnh tranh, tín hiệu nguồn cung từ Ấn Độ đang sụt giảm mạnh, dường như người nuôi ở quốc gia này cũng đang gặp khó khăn theo thị trường chung, qua đó phần nào giảm bớt sức cạnh tranh ở thị trường Mỹ. 

"Với những tín hiệu trên, thuỷ sản những tháng cuối năm có nhiều khả năng sẽ phục hồi so với nửa đầu năm" - bà Hằng nhận định. 

Ước tính về tình hình xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6, bà Hằng cho biết, với cái nhìn khả quan, kết quả vẫn sẽ tương đương tháng 5, ước khoảng 800 triệu USD, thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.  Tuy nhiên đã có phần khởi sắc hơn nhiều so với 3 tháng đầu năm nay. 

"Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,2 tỷ USD, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022." - Giám đốc truyền thông VASEP thông tin.