Cổ phần hóa doanh nghiệp (Bài 2): Xuất hiện tâm lý sợ mất vốn?
Theo thống kê,những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Tiến trình cổ phần hoá đang bị chậm
Trao đổi với DNVN về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu nhận định: việc cổ phần hoá là một bước đi quan trọng trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù tiến trình liên tục được Chính phủ thúc đẩy, nhưng đây không phải là câu chuyện có thể thực hiện được một cách nhanh chóng. Một trong những trở ngại đó là khi định giá trị doanh nghiệp để bán cổ phần đó đi ra ngoài, nếu giá cổ phần đó thấp quá thì nhà nước lại không muốn bán. Thời điểm hiện tại nền kinh tế đang bị suy chậm, vậy nên không thể bán cổ phần ra với giá cao được.
“Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước làm việc không hiệu quả, mà bán không được giá cao thì sợ mất vốn. Cho 10 đồng vốn bỏ vào, bây giờ thu về 8 đồng thì ai chịu cái lỗ đó. Ngoài ra, các lãnh đạo của những công ty đó không mặn mà cổ phần hóa vì họ thừa hiểu nếu làm thì sẽ bị đẩy đi, bộ máy của họ sẽ bị thay bởi lãnh đạo, cổ đông mới”, ông Hiếu nói.
TS Trí Hiếu cho rằng đang xuất hiện tâm lý sợ mất vốn sở hữu khi cổ phần hoá
Cũng theo ông Hiếu, thực tế cổ phần hóa không phải thực hiện xong cổ phần, chạy vào thương trường làm việc mà hiệu quả ngay. Nhất là những doanh nghiệp có bộ máy, hệ thống làm việc rất yếu kém, sản phẩm ít, thị trường thì giới hạn, vậy nên tìm được nhà đầu tư để cổ phần hoá là một điều không phải dễ dàng. Trong thời điểm này cả nền kinh tế đang bị lao đao như thế này, vậy nên việc cổ phần hoá sẽ vô cùng khó.
“Những lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước sợ bán cổ phần ra dưới giá vốn Chính phủ đầu tư vào thì họ sẽ chịu trách nhiệm, mà bán cao hơn trong thời điểm này là vô cùng khó. Khi cổ phần hoá, các nhà đầu tư sẽ phân tích chi tiết về hoạt động của công ty đó, có thể xuất hiện ra những vấn đề tại đó dẫn đến nhiều nhà đầu tư e ngại, lãnh đạo đang tại vị của doanh nghiệp sẽ xảy ra việc trây ỳ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về tiến trình cổ phần hóa hiện nay, Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII lại cho rằng: Trong quá trình cổ phần hoá có rất nhiều điều tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hoá như Vinamilk hoạt động rất hiệu quả. Việc cổ phần hóa hiệu quả sẽ đóng góp được nhiều cho ngân sách Nhà nước, bên cạnh đó là nâng vị thế của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế trong nước lên.
Bà An đánh giá cao hiệu quả từ các doanh nghiệp đã cổ phần hoá
Việc chậm cổ phần hoá những doanh nghiệp nhà nước ngày nào thì cũng là sự kéo chậm lại sự tăng trưởng doanh nghiệp và thiệt hại cho đóng góp ngân sách nhà nước. Câu hỏi đặt ra hiện tại là phải làm thế nào đẩy nhanh tiến độ tiến trình cổ phần hoá thì đầu tiên chúng ta phải xem xét nguyên nhân giai đoạn này vì trước Đại hội Đảng lần thứ 13, khiến cho xuất hiện tâm lý không muốn đảo lộn những thứ đã ổn định từ trước đến nay.
Cũng theo bà An, việc cổ phần hóa rất chú trọng trong việc đánh giá tài sản, phương thức phân phối rất khó xác định. Các doanh nghiệp nhà nước trong suốt một thời gian dài được sử dụng những tài sản nhà nước giao như là đất đai nhà xưởng, trang thiết bị,… cả các chi phí đào tạo cán bộ. Vậy đánh giá tài sản như thế nào cho chính xác, thực tế thì một số nơi còn đang chậm trễ.
“Rất nhiều CEO của doanh nghiệp nhà nước rất giỏi, nhưng ngược lại nhiều người chưa xứng đáng. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước thì quen tâm lý được “bao cấp” lỗ lãi không quan trọng, đây cũng là một yếu tố con người có ảnh hưởng đến tâm lý thực hiện CPH”.,
Về phần quản lý nhà nước cũng lỏng lẻo, khi mà đến thời điểm này tiến trình mới thực hiện được 28%, thiếu sự sát sao, thúc giục từ cấp quản lý, thiếu chế tài xử lý đối với các đơn vị cố tình chây ỳ thực hiện CPH.
Bà An kiến nghị, cần giao luôn tiến độ đối với các doanh nghiệp đã có tên, yêu cầu phải thực hiện. Doanh nghiệp nào thuộc bộ nào thì giao bộ đó quản lý và đôn đốc, xử lý nếu tiếp tục để kéo dài sẽ thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. (Còn nữa)
Hải Đăng
Xem thêm: Chuyên gia Phạm Chi Lan nói về khó khăn của hàng Việt khi tham gia EVFTA