Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm

21:21 | 05/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa.

Thông tin này vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5.

Theo kế hoạch từ năm 2017-2020, sẽ phải có 127 doanh nghiệp cổ phần hóa. Như vậy, trung bình mỗi quý sẽ có khoảng 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chỉ có 2 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong quý I vừa qua.

Về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 4 tháng đầu năm 2019 mới có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 295 tỷ đồng. Lũy kế từ giai đoạn 2016 hết tháng 4/2019, có 161 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng nhận định, tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp là chậm, chưa đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 97 doanh nghiệp, chiếm 76% kế hoạch được giao.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm - ảnh 1
 Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm.
"Về nguyên nhân của vấn đề này, có cả lý do chủ quan và khách quan. Trong nguyên nhân chủ quan có việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân khách quan là việc cổ phần hóa còn có vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên bị kéo dài thời gian so với kế hoạch" - Thứ trưởng lý giải.
Về giải pháp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế tập trung một số nhiệm vụ. Về thể chế, các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định liên quan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa. Thủ trưởng và người đứng đầu địa phương, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện các mục tiêu, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch.
Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cần rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng, để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng Ba, Bộ Tài chính cũng đưa ra thống kê, theo kế hoạch, năm 2018 phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng thực tế mới có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tức là còn 41 doanh nghiệp chưa thực hiện.Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa năm 2019 là 18 doanh nghiệpvà cùng với số chưa làm xong của năm 2018.