Cơ quan Thuế sẽ nắm thông tin tài khoản ngân hàng ra sao?

19:14 | 26/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Nghị định 126, các Ngân hàng thương mại có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Đồng thời, ngân hàng phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google...
Đây là quy định mới trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP về một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12.
 
Cơ quan Thuế sẽ nắm thông tin tài khoản ngân hàng ra sao? - ảnh 1
 
Ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân theo đề nghị của ngành thuế
 
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 126 là việc yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin của khách hàng như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế. Việc này phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.

Cụ thể, sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.

Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài gửi về Tổng cục Thuế hàng tháng.
 
Siết chặt việc nộp thuế của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử?
 
Nghị định 126 hướng đến nhóm đối tượng chính là những cá nhân hay tổ chức kiếm tiền trên mạng như bán hàng online, cung cấp dịch vụ, nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook... Nhiều người có nguồn thu nhập lớn trên mạng vẫn không chịu đóng thuế do họ cho rằng ngành thuế sẽ không nắm được thu nhập của họ.

Đối với hoạt động bán hàng online, ngành thuế đã rà soát các đối tượng kinh doanh. Theo dữ liệu của các Ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế, chỉ riêng địa bàn Hà Nội có 18.304 tổ chức và cá nhân có hoạt động bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỉ đồng từ Google, Facebook, Youtube…

Số tiền mà ngành thuế truy thu được qua hoạt động bán hàng online là hơn 13,9 tỉ đồng, còn số tiền mà người nộp thuế chủ động kê khai và nộp thì cao hơn nhiều.

Cá biệt có một số cá nhân có thu nhập rất cao như trường hợp ông Trần Đức Phương (Hà Nội) nhận thu nhập từ Google là hơn 41 tỉ đồng. Số tiền thuế truy thu và tiền phạt của cá nhân ông này là hơn 4 tỉ đồng.

Đối với hoạt động thương mại điện tử mà cho thuê nhà qua các ứng dụng Agoda, Booking,… kết quả 8 tháng đầu năm nay, ngành thuế xác định tổng doanh thu mà các cá nhân nhận được là khoảng 5.000 tỉ đồng. Số thuế thu được là 93 tỉ đồng. Đây chỉ là một số hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Nói thêm về giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ngoài việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, ông Vũ Mạnh Cường, vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với những người nộp thuế không tự giác kê khai và nộp thuế.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, trong bối cảnh thu thuế kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, việc hợp tác với các nhà băng sẽ giúp cơ quan thuế theo dõi giao dịch từ ngân hàng để quản lý thuế hiệu quả hơn.

Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ mời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài sang làm việc để họ có thể ủy quyền cho các bên tư vấn ở Việt Nam kê khai thay hoặc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Như Netflix thì nộp 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Khánh Linh