Có thể mất cả thập kỷ xây dựng thị trường xếp hạng tín nhiệm, không phải chỉ để phát hành TPDN

Nguyễn Thị Thùy Dung 15:50 | 20/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng xây dựng thị trường xếp hạng tín nhiệm là giải pháp căn cơ để lành mạnh hóa việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, xếp hạng tín nhiệm không chỉ để làm tiêu chí phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà còn phục vụ các kênh cho vay tín dụng ngân hàng, niêm yết trên sàn, vay quốc tế…

Nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chấp nhận “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" diễn ra chiều 19/5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định rằng tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là hai kênh huy động vốn rất quan trọng với doanh nghiệp bất động sản.

Nhưng hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang dần siết tín dụng ngân hàng vào bất động sản. Theo đó, lộ trình đến cuối năm 2023, tín dụng vào bất động sản sẽ giảm còn 30% GDP.

Theo ông Châu, đáng lẽ ra khi các ngân hàng bắt đầu hạn chế cho vay bất động sản thì phát hành trái phiếu nên là nguồn thay thế hiệu quả. Nhưng trong bối cảnh thị trường TPDN bị kiểm soát chặt sau một số vụ việc sai phạm thời gian qua, dự báo nguồn vốn của doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản có thể đối diện với những ách tắc nhất định.

Theo số liệu thống kê bởi Hiệp hội Thị trường Trái phiếu VBMA (dựa trên thống kê của SSC và HNX), nếu như trong quý I, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 43%.

Nhưng đến tháng 4, sau khi Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu, trong số 28 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng ra thị trường, doanh nghiệp bất động sản vắng bóng hoàn toàn. Thay vào đó, nhóm ngân hàng chiếm gần 91% trong khối lượng phát hành, còn lại là doanh nghiệp năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính.

Nhóm ngân hàng thương mại chiếm tới 90,7% trong tổng giá trị phát hành TPDN của tháng 4, nhóm bất động sản vắng bóng (Ảnh: VBMA)

Cũng nói về vấn đề kiểm soát thị trường TPDN, ông Phan Đức Hiếu, chuyên gia kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, không thể có sự an toàn tuyệt đối mà phải “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như lời Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, ông Hiếu đồng ý rằng việc can thiệp thị trường TPDN và giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm; nhưng khi áp đặt thêm các chính sách thì cần hết sức cân nhắc và tính đến nguy cơ thị trường bị ảnh hưởng nặng nề do những can thiệp đó. 

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, khẳng định để lành mạnh hóa thị trường TPDN, rất cần thiết có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Về dài hạn, điều này sẽ tăng chất lượng TPDN được phát hành nhờ các quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành…

Phát triển thị trường đánh giá tín nhiệm không chỉ để phục vụ phát hành TPDN

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định tương tự với TS Cấn Văn Lực, rằng xây dựng hoàn thiện thị trường xếp hạng tín nhiệm là giải pháp căn cơ để lành mạnh hóa, phát triển bền vững trái phiếu doanh nghiệp như một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, tại các quốc gia khác, việc xây dựng được một thị trường đánh giá tín nhiệm phát triển phải mất từ 7-8 năm, thậm chí hàng thập kỷ.

"Trong lộ trình đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hoặc tài trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty đánh giá tín nhiệm. Ngoài ra, nếu cần thiết có thể đưa ra các yêu cầu ràng buộc cụ thể về việc phát hành TPDN dựa trên minh bạch tài chính và xếp hạng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, có một loại hình khác được một số quốc gia sử dụng là liên kết các tập đoàn xếp hạng có uy tín của thế giới, chẳng hạn S&P hay Fitch Ratings… với các công ty xếp hạng trong nước để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và chất lượng hơn của thị trường đánh giá tín nhiệm.

“Ở Việt Nam hiện nay đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm hoạt động và một số khác đang nộp đơn đăng ký. Có 1 công ty là Saigon Ratings đã có hợp đồng liên doanh toàn diện với Fitch Ratings của Mỹ. Đây là một trong những nền tảng để tạo ra một thị trường xếp hạng tín nhiệm chất lượng trong tương lai gần”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ông Nghĩa cũng đề xuất các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia xếp hạng tín nhiệm. 

 

“Việc xây dựng nền tảng cho thị trường đánh giá tín nhiệm có thể chưa mang lại hiệu quả thiết thực tức thời nhưng nó vô cùng quan trọng. Bởi đánh giá tín nhiệm không chỉ để làm tiêu chí phát hành TPDN mà còn phục vụ các kênh cho vay tín dụng ngân hàng, niêm yết trên sàn, vay quốc tế… nói chung giải quyết rất nhiều vấn đề”, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.