Con đường tăng lãi suất dốc đứng của FED và áp lực với mặt bằng lãi suất trong nước

Diên Vỹ 11:45 | 31/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi thị trường chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát tín hiệu hãm đà tăng lãi suất từ tháng 12 tới, mặt bằng lãi suất trong nước được dự báo vẫn chịu áp lực tăng.

 

Kỳ vọng FED phát tín hiệu hãm đà tăng lãi suất

Ngày 1-2/11 tới đây, Ủy ban thị trường mở thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có một cuộc họp chính sách tiền tệ, trong đó dự kiến thông qua đợt tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm  thứ tư liên tiếp trong năm nay. 

Ông Jonathan Pingle, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại UBS nhận định: “Mức tăng lãi suất tháng 11 của FED đã gần như chắc chắn. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu họ không tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm”.

Tương tự ông Jonathan. thị trường hiện dự báo khả năng lớn FED tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, qua đó nâng mặt bằng lãi suất cơ bản (Fed Fund Rate) lên 3,75-4%. 

 Lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện đã lên 3.0-3.25% sau hàng loạt đợt tăng liên tiếp của FED (Nguồn: Statista)

Không chỉ mức tăng lãi suất, những tín hiệu về chính sách tiền tệ tương lai của FED được thể hiện qua bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell sau cuộc họp cũng sẽ được thị trường đặc biệt quan tâm. Nhất là tín hiệu liên quan đến cuộc họp tháng 12 của ngân hàng trung ương, rằng liệu cơ quan này có dự kiến tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ hay không.

Trong nỗ lực chống lạm phát đang tăng nhanh nhất trong gần 40 năm, FED đến nay đã tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm. Trước đó, biểu đồ Dot Plot mà FED công bố hồi tháng 9 (biểu đồ gồm các dấu chấm, thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong FOMC về mức lãi suất FED tại một mốc thời điểm nào đó) đã cho thấy tín hiệu về một giai đoạn mức tăng lãi suất giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 trước khi về mức 0,25 điểm phần trăm vào đầu năm 2023. 

Thị trường giờ đây đặt kỳ vọng hơn hết vào bất kỳ tín hiệu nào mà ông Powell đưa ra về một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của FED, khi đà tăng lãi suất chậm lại.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal tiết lộ một số quan chức FED đang chùn bước trước những đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Thống đốc FED chi nhánh San Francisco Mary Daly cũng cho rằng FED nên bắt đầu thảo luận về việc ghìm tốc độ tăng lãi suất. Trên thị trường, định giá khả năng FED tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 12 đang ở mức khoảng 60%.

Từ phía các chuyên gia kinh tế, hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, dự báo ông Powell có thể sẽ phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn trong tháng 12 sau khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu dịu lại. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ vẫn tăng mạnh trong tháng 9 (tăng 0,5% so với tháng trước đó và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng nằm trong ngưỡng dự đoán, theo Cơ quan Phân tích Kinh tế (BEA).

Ở chiều ngược lại, một số nhà kinh tế cho rằng dữ liệu lạm phát tháng 9 có thể không tạo nên niềm tin rõ ràng nào cho các quan chức FED rằng áp lực giá đang thực sự hạ nhiệt. Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont Securities nói: “Nếu bạn cam kết trước (về việc giảm mức tăng lãi suất) và dữ liệu kinh tế sau đó không ủng hộ con đường này, thì bạn khó lòng quay đầu kịp”. Vị này cũng chỉ ra rằng hồi tháng 3/2022, FED từng cam đoan rằng lãi suất cơ bản cuối cùng sẽ không tăng trên 3%, nhưng tình thế hiện nay đã khác hoàn toàn.

Các nhà kinh tế học cũng tỏ ra bất đồng trong dự báo mức lãi suất đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất liên tiếp mà ngân hàng trung ương đang theo đuổi. FED gần đây đưa ra mức đỉnh lãi suất trong khoảng 4,5-4,75%. Một số chuyên gia dự báo đỉnh lãi suất cuối cùng trước khi FED thay đổi lập trường chính sách tiền tệ có thể sẽ thấp hơn mức này, do kỳ vọng rủi ro một cuộc suy thoái làm chùn chân ngân hàng trung ương. Nhưng cũng có người cho rằng đỉnh lãi suất có thể sẽ vượt 5%, giả định lạm phát dai dẳng hơn dự kiến.

Trong nước: Áp lực tăng lãi suất vẫn còn

Trong bối cảnh FED liên tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, hiện ở mức 3-3,25% và dự báo tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tiếp theo, đồng USD cũng chịu áp lực lên giá mạnh, làm tăng sức ép lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.

Theo đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh nâng lãi suất điều hành 2 lần chỉ trong 1 tháng.

Gần đây nhất, ngày 24/10, NHNN điều chỉnh các mức lãi suất; theo đó tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; tăng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Đối với tiền gửi, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Sau động thái của NHNN, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng sau 3 tháng đứng ngoài cuộc đua. Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng cao hơn so với nhóm Big 4, quanh mức 8-9%. 

Dự báo về diễn biến mặt bằng lãi suất đến cuối năm, tại báo cáo vĩ mô quý III công bố vào đầu tháng 10, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định: “Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới đặc biệt là FED khi lãi suất điều hành liên tục tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn. Do đó, chi phí đầu vào của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trong xu hướng tăng”.

Các chuyên gia VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nước là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Theo đó, dự báo mặt bằng lãi suất huy động trong nước có thể tăng 1,5 - 2 điểm phần trăm trong cả năm 2022.  Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng; lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Dù vậy áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán SSI dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5-1 điểm phần trăm nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

Về phía NHNN, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có khả năng NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất điều hành trong hai tháng cuối năm vì hiện tại đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Nhất là trong bối cảnh biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt và nguy cơ tiền đồng mất giá mạnh 15-20% trong cả năm.

Dự báo xa hơn, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng CPI cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,88% cho thấy tốc độ tăng của nhóm hàng hóa cơ bản có thể là yếu tố đáng quan ngại về áp lực tăng giá cả hàng hóa dịch vụ. Xu hướng này nếu duy trì trong thời quý tới sẽ tạo động lực mạnh cho NHNN nâng lãi suất vào năm 2023. 

Xu hướng lãi suất tăng vẫn còn tiếp diễn, nhưng ở giả định FED đi dần tới giới hạn tăng lãi suất và ông Powell phát đi tín hiệu về kìm hãm đà tăng, áp lực tỷ giá giảm đi sẽ là cơ hội không nhỏ để NHNN ổn định mặt bằng lãi suất trong nước trong tương lai.

 

Tính đến cuối quý III/2022, số liệu thống kê cho thấy khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định việc NHNN nâng lãi suất điều hành giúp cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, động thái này cũng phù hợp với diễn biến lạm phát, tỷ giá trên thế giới.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.