Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet: Luồng gió mới trên bầu trời Việt
Lịch sử hình thành và phát triển của Vietjet Air
Vietjet Air tên đầy đủ là Công Ty Cổ phần Hàng Không Vietjet, tên tiếng anh VietJet Aviation Joint Stock Company. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Vietjet Air được thành lập bởi 3 cổ đông chính là tập đoàn T&C, Sovico Holdings và ngân hàng HDBank. Được cấp phép vào tháng 11/2007, là hãng hàng không thứ 4 của Việt Nam và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Đến ngày 20/12/2007 hãng chính thức được cấp phép kinh doanh.
Vietjet Air dự định ra mắt và hoạt động cuối năm 2008 tuy nhiên một vài yếu tố hãng quyết định lùi ngày ra mắt đên tháng 11/2009.
Sau những ngày chuẩn bị vô cùng thận trọng, hãng hàng không Vietjet Air đã mở bán vé máy bay đợt đầu tiên vào ngày 5/12/2011 và thực hiện chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM vào ngày 25/12/2011.
Tháng 6/2013, hãng Vietjet Air mở đường bay quốc tế đầu tiên đến Bangkok và thành lập liên doanh cùng hãng Thai Vietjet Air nhằm chinh phục thị trường quốc tế thông qua hình thức hợp tác này.
Tháng 9/2013, hãng Vietjet Air cũng đã ký hợp đồng đặt khoảng 100 tàu bay dành cho Vietjet Air với hãng sản xuất máy bay Aribus.
Tháng 7/2014 hãng máy bay Vietjet Air gia nhập hệ thống phân phối toàn cầu, kết nối với 446 hãng hàng không để mở rộng mạng lưới bay toàn cầu.
Tháng 11-12/2014 Vietjet Air đã lần lượt được nhận 2 máy bay trong hợp đồng trên, nâng tổng số đội bay lên 20 chiếc.
Ngày 23/10/2014 Vietjet Air được tạp chí du lịch danh tiếng Smart Travel Asia xếp hạng Top 10 hãng hàng không giá rẻ châu Á.
Ngày 31/5/2015 trong lịch sử hình thành Vietjet Air chỉ sau 3 năm cất cánh hãng đã đón chào hành khách thứ 10 triệu. Sau 3 năm phục vụ hành khách chu đáo và nhiệt tình, Vietjet Air đã khẳng định đươc vị thế của hãng hàng không giá rẻ thế hệ mới được yêu thích trong nước và khu vực.
Tháng 6/2016 Vietjet Air lọt vào Top 500 thương hiệu hàng đầu châu Á.
Tháng 8/2016 Vietjet Air chính thức trở thành thành viên của IATA.
Hiện tại, Vietjet Air đang khai thác 80 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách. Hiện hãng có 10 5 đường bay phủ sống khắp các điểm đến tại Việt Nam và một số đường bay quốc tế như: Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Trong tương lai Vietjet Air mở thêm các đường bay khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Người đề xuất ra hãng hàng không này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nữ Tỷ phú tự thân đầu tiên của ViệT Nam. Dù có sự kết hợp của doanh nghiệp lớn tuy nhiên người giữ vị trí điều hành và sỡ hữu tới 90% cp của Vietjet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Hiện tại Vietjet Air đang có 7 công ty thành viên. Những công ty thành viên đều có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phát triển của công ty mẹ là Công ty cổ phần hàng không Vietjet. Những công ty thành viên của Vietjet Air bao gồm:
Công ty CP VietJet Cargo – Cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa
VietJet Air IVB No.1 Limited – Kinh doanh máy bay
VietJet Air IVB No.II Limited – Kinh doanh máy bay
VietJet Air Singapore Pte. Ltd – Kinh doanh máy bay
VietJet Air Ireland No.1 Limited – Kinh doanh máy bay
Thai VietJet Air Joint Stock Company Limited – Cung cấp dịch vụ vận chuyển, chuyển giao hàng hóa, hành khách, tổ chức các chuyến du lịch, dịch vụ liên quan.
Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không.
Vietjet là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn khai thác IOSA. Vietjet vừa được xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao bởi AirlineRatings.com, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới chuyên đánh giá về an toàn và sản phẩm của các hãng hàng không toàn cầu.
Trước đó, AirlineRating cũng vinh danh Vietjet với giải thưởng “Best Ultra Low-Cost Airline 2018 - 2019”. Gần đây hãng cũng lọt top 50 hãng hàng không toàn cầu về hoạt động và sức khoẻ tài chính năm 2018, theo tạp chí Airfinance Journal.
Vietjet Air - luồng gió mới trên bầu trời Việt
Mặc dù sinh sau đẻ muộn hơn nhưng tốc độ tăng trưởng " thần tốc" và nhiều kế hoạch kinh doanh táo bạo của Vietjet Air đã tạo nên kết quả ấn tượng. Đến nay vốn điều lệ của VietJet là 5.416 tỷ đồng, vốn hóa thị trường trên 66.455 tỷ, tương đương khoảng 2,9 tỷ USD.
Sự thành công vang dội của VietJet Air phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, tuy nhiên trong đó quan trọng là chiến lược đầy tham vọng của người đúng đầu CEO Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tổng giám đốc VietJet Air, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ về sự khởi đầu của VietJet Air trong 1 bài phỏng vấn chuyên đề với giáo sư của đại học Harvard vào tháng 12/2017 rằng: "Trước khi VietJet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình".
VietJet Air hiện đã có giá trị vốn hóa lớn hơn AirAsia - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á của Malaysia; chi phí bình quân cho mỗi ghế trên máy bay của VietJet là thấp nhất trong tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới - theo bản tin mới nhất trên Nikkei Asian Review.
Về cơ bản, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của VietJet Air vẫn nằm ở khả năng quản trị chi phí và tiết giảm giá thành cung ứng dịch vụ, đây cũng là chiếc chìa khóa quan trọng dẫn đến các thị trường quốc tế trong khu vực một cách nhanh chóng nếu chúng ta làm phép so sánh chi phí giữa Vietjet Air và các hãng hàng không lớn trên thế giới.
Từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng khai thác 80 tàu bay trên 120 điểm đến.
Năm 2017, Vietjet đã niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với vốn hóa thị trường 1,4 tỷ USD. Với việc niêm yết trên HoSE , VJC góp phần nâng cao mức vốn hóa của thị trường và mang lại cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 22/04/2021 đang được giao dịch ở mức 128.000 đồng/cp.
Về tình hình kinh doanh, bất chấp dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên ngành hàng không VietJet Air vẫn báo lãu 70 tỷ đồng trong năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của VietJet Air ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 4.429 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu giảm song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tương đương dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 261,7 tỷ đồng, giảm 67%.
Luỹ kế cả năm 2020, doanh thu của hãng hàng không giá rẻ ghi nhận 18.209 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh song chi phí lãi vay, phần lỗ từ các công ty liên kết cũng tăng theo dẫn đến Vietjet lỗ 2.395 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, trong khi năm ngoái lãi 3.847 tỷ đồng.
Thu nhập khác của Vietjet tăng mạnh, ghi nhận 2.528 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2019, nhờ đó ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh khác của Vietjet 2.518 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi thuế, lợi nhuận của Vietjet ghi nhận 70 tỷ đồng, giảm 54 lần so với năm 2019 song đây là kết quả hiếm hoi của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chịu tác động tiêu cực từ Covid 19.
Hiện nay, Vietjet đã khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa với hơn 47 đường bay. Với sự hỗ trợ của Chính phủ về việc giảm thuế, giãn thuế, giảm chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay…, cùng với kế hoạch hỗ trợ về mặt tài chính của chính phủ cho các hãng hàng không, bên cạnh khả năng quản lý chi phí, khai thác, vận hành tốt và sự dẫn đầu đổi mới sáng tạo trong ngành hàng không, Vietjet được đánh giá có nội lực mạnh mẽ để sẵn sàng tăng trưởng trở lại trong năm 2021, mang tới cơ hội bay với chi phí tiết kiệm, linh hoạt, cung cấp đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và tăng doanh thu cho hãng hàng không.
Xem thêm: Vietjet được vinh danh là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa trong khoang hành lý tốt nhất năm 2020
Nguyễn Dung