Công ty ô tô Trường Hải: Khẳng định vị thế `dẫn đầu` trên thị trường ô tô Việt
Công ty CP ôtô Trường Hải (còn được viết tắt là THACO) là một công ty cổ phần chuyên sản xuất, lắp ráp, xuất nhập khẩu, phân phối, bảo trì, sửa chữa ô tô tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa nông nghiệp. Trường Hải là một trong các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).
Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO)
Công Ty ôtô Trường Hải được thành lập vào ngày 29/4/1997, trụ sở chính đặt tại số 19 đường 2A, Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch HĐQT THACO.
Nhà máy sản xuất của THACO ở Chu Lai
Năm 1998: Thành lập Văn phòng Đại diện tại số 13 Phạm Đình Hổ, P. 2, Q.6, TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1999: Thành lập Chi nhánh đầu tiên đặt tại Hà Nội, địa chỉ số 2A Ngô Gia Tự - Gia Lâm (nay là Long Biên).
Năm 2000: Thành lập Công ty Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Tracimexco – Trường Hải, xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô (xe tải nhẹ KIA) và xưởng Cơ điện.
Năm 2002: Thành lập Chi nhánh Miền Trung tại thành phố Đà Nẵng và mở Showroom trực thuộc tại Phan Thiết, Cần Thơ, Bình Triệu. Cũng trong thời gian này, Công ty chuyển văn phòng đại diện về số 76 Trương Định, Phường 9, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh.
Năm 2003: Thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đầu tư 600 tỷ đồng để triển khai xây dựng nhà máy sản xuất - lắp ráp ô tô rộng 36,8 ha, công suất 25.000 xe/năm tại đây
Năm 2004: Khánh thành Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Chu Lai-Trường Hải.
Năm 2005: Thành lập Công ty Vận tải biển Chu Lai – Trưởng Hải có vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Thành lập Công ty Việt - Gemphil (nay là Công ty TNHH MTV Hóa chất Chuyên dụng Chu Lai –Trường Hải) và khai trương Showroom tại Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2006: Chuyển Văn phòng đại diện công ty về địa chỉ G3, Điện Biên Phủ, Phường 25, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Chính thức khai thác vận chuyển đường thủy bằng việc đưa vào hoạt động tàu TRUONG HAI STAR 1 (chặng Chu Lai - Bình Dương).
Năm 2007: Công ty TNHH ôtô Trường Hải chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, vốn điều lệ 680 tỷ đồng. Trụ sở công ty đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa II, Đồng Nai. Cũng trong năm, Trường Hải chính thức hợp tác với KIA Motors, xây dựng Nhà máy lắp ráp xe du lịch Trường Hải – Kia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Năm 2007 Trường Hải bổ sung thêm tàu Trường Hải Star 2 vào hoạt động vận chuyển đường thủy.
Năm 2008: Trường Hải tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải: Thành lập Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KCN & Đô thị Chu Lai -Trường Hải với chức năng đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp ô tô & dịch vụ Khu Công nghiệp. Thành lập Nhà máy Ghế (tháng 4/2008) với vốn đầu tư 24 tỷ đồng, công suất 30.000 bộ sản phẩm/năm. Thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất khung gầm – Thùng xe Chu Lai - Trường Hải. Ngoài ra, trong năm 2008 Trường Hải còn thành lập Công ty cơ khí chuyên dụng Bắc Bộ tại Chi nhánh Hà Nội và một loạt các Showroom tại Quảng Bình, Thái Nguyên, Bình Định, Tiền Giang, Vũng Tàu, Đức Trọng, Lâm Đồng.
Năm 2009: Thành lập một loạt các Công ty, Nhà máy tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải: Công ty đầu tư xây dựng nhà máy Gia công thép (8/2009), Công ty TNHH MTV Cơ khí Chu Lai – Trường Hải.
Năm 2010: Nắm bắt xu thế về nguồn nhân lực cho các nhà máy tại Chu Lại, THACO thành lập trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải và khai giảng khóa đầu tiên năm học 2010 – 2011 với 408 học viên. Trong cùng năm, THACO tiếp tục đầu tư vào hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải: thành lập Công ty TNHH MTV Cơ điện Chu Lai – Trường Hải, đưa vào sử dụng Công ty Cơ Khí và Công ty gia công Thép, xây dựng Cảng và Khu hậu cần cảng Tam Hiệp (nay là Cảng Chu Lai-Trường Hải).
Đặc biệt tháng 09/2010, Trường Hải khánh thành Nhà máy Vina Mazda chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm xe Mazda với công suất 10.000 xe/năm. Đề chuyên môn hóa hoạt động kinh doanh, phân phối xe ô tô, Trường Hải thành lập 2 công ty: Công ty phân phối xe du lịch (PC: Passenger Cars) và Công ty phân phối xe thương mại (CV: Commercial Vehicles). Trường Hải tiếp tục mở rộng hệ thống Showroom và Đại lý bán xe tại nhiều địa bàn trên cả nước.
Năm 2011: Thành lập Công ty cổ phần sản xuất phụ tùng Ô tô (AUTOCOM) có năng suất 48,000 bộ ghế/năm. Thành lập Nhà máy xe Bus và đưa vào hoạt động Nhà máy Vina Mazda (Nhà máy Sản xuất & Lắp ráp xe Mazda).
Năm 2012: Trường Hải đổi tên gọi Khu Liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải thành Khu Phức hợp ô tô Chu Lai-Trường Hải. Đồng thời THACO cũng khánh thành Cảng Tam Hiệp Chu Lai - Trường Hải. Trường Hải bắt đầu tham gia thị trường xe chuyên dụng với việc mua lại 51% cổ phần của Công ty Soosung tại Hàn Quốc (chuyên về xe chuyên dụng).
Năm 2013: Trường Hải chính thức hợp tác với PSA, tiến hành sản xuất và lắp ráp xe ô tô thương hiệu Peugeot tại Việt Nam. Cùng năm, THACO tiếp tục chiến lược đầu tư các nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại Khu phức hợp: Nhà máy Dây điện ô tô, Nhà máy Kính ô tô, nhà máy sản xuất linh kiện nhựa, mở rộng nhà máy Cơ khí. THACO mở rộng mạng lưới Showroom trực thuộc, nâng tổng số Showroom (2013) lên 60 Showroom trên cả nước.
Năm 2014: Trường Hải hạ thủy tàu TRUONG HAI STAR 3 và ra mắt dịch vụ Logistic trọn gói tại Cảng Chu Lai – Trường Hải. Lễ động thổ trung tâm thương mại & trưng bày ô tô Thaco – Bảo Lộc cũng được Trường Hải tổ chức trong năm 2014.
Năm 2015: Trường Hải phát triển mạnh mẽ về doanh số xe với 137 showroom và đại lý trên toàn quốc.
Ngày 29/6/2016, Trường Hải chính thức nắm quyền kiểm soát công ty bất động sản Đại Quang Minh.
Năm 2017, THACO được xếp hạng "Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2016" - Theo công bố của Bảng xếp hạng VNR500 - Thaco khởi công nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda mới đồng thời tham gia lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2018: Khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á tại Quảng Nam.
Tháng 8 năm 2018 Thaco hợp tác với HAGL với giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Năm 2019 Thaco hợp tác với Fuso ra đời tại Việt Nam.
Tháng 10 năm 2020 Thaco ra mắt hợp tác với Iveco đầu tiên tại Việt Nam vào 2 xe Minibus Daily và Daily Plus.
Hệ sinh thái THACO GROUP
Sau 24 năm hình thành và phát triển, THACO đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó Cơ khí và Ô tô là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng; Logistics và Thương mại & Dịch vụ.
THACO là doanh nghiệp hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, với chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ô tô, đến giao nhận vận chuyển và phân phối, bán lẻ. Sản phẩm có đầy đủ các chủng loại: xe tải, xe bus, xe du lịch, xe chuyên dụng và đầy đủ phân khúc từ trung cấp đến cao cấp với doanh số và thị phần luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua.
Thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường ô tô Việt
Công ty ôtô Trường Hải là doanh nghiệp đang dẫn đầu về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô với việc cung cấp, từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và đạt tỉ lệ nội địa hoá hơn 50% đối với xe buýt, 30-35% đối với xe tải, riêng xe con đạt 18% đối với một số mẫu xe có sản lượng cao… hiện nay THACO chiếm hơn 40% thị phần về xe tải, 50% về xe khách. Hai thương hiệu Kia và Mazda chiếm hơn 26% thị phần và đứng đầu thị trường xe con Việt Nam trong năm 2016.
Luôn kiên định với mục tiêu kinh doanh là làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân mua được xe với giá rẻ, hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng thời phải phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, qua đó tạo việc làm, đào tạo nhân lực, giảm nhập siêu, phát triển công nghiệp và có đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế đất nước, THACO đã không ngừng đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách có bài bản, lâu dài để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường ô tô Việt Nam theo hướng đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa. Điều này đã và đang chứng tỏ, THACO là DN có vai trò dẫn dắt thị trường ô tô Việt Nam.
Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải- Trần Bá Dương
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải cho biết, để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đến năm 2035 số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa, THACO sẽ nâng cấp toàn bộ các nhà máy khác để Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ, đồng thời góp phần lớn đáp ứng được nhu cầu thị trường theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Với vai trò là DN ô tô lớn tại Việt Nam, THACO tự nhận trách nhiệm tham gia ổn định thị trường và mang lại giá trị thiết thực cho người tiêu dùng. Cụ thể, trong thời gian qua, THACO cũng đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% vào năm 2018 và sẽ tiếp tục giảm giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe 2.0 trở xuống giảm 5% từ ngày 1/1/2018.
Đồng thời, THACO vẫn đang duy trì lắp ráp và đẩy mạnh đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, khẳng định năng lực và quyết tâm của THACO trong việc tiên phong phát triển sản xuất lắp ráp trong nước. Đây cũng là cam kết của THACO với Chính phủ và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhằm phát triển sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực.
Cũng theo ông Dương, đứng trước yêu cầu cạnh tranh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018, đặc biệt là đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mà cơ bản là sản xuất tự động hóa và phải đáp ứng yêu cầu đặt hàng riêng lẻ của khách hàng, từ năm 2017, THACO đã thực hiện chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới như nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, nhà máy tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Điển hình là nhà máy Thaco Mazda, nhà máy lớn nhất của Mazda nói riêng và ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Nam Á, có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7.
Đây được xem là công trình có ý nghĩa khởi đầu và là dự án mẫu cho chu kỳ đầu tư mới của THACO tại Chu Lai với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD và cũng là minh chứng cho một THACO đang hướng tới mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam hiện đại.
Sản xuất Ô tô vẫn là ngành trụ cột của THACO
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô Việt Nam. Sau nhiều năm tăng trưởng dương, năm nay, thị trường ô tô Việt Nam có mức giảm tương đối sâu, tương đương 8% so với năm 2019.
Tính đến hết tháng 12/2020, với việc nắm giữ các thương hiệu như Mazda, Kia, Peugeot và đa dạng chủng loại sản phẩm (xe du lịch, xe thương mại, xe tải…) đã góp phần giúp Trường Hải (Thaco) tiếp tục dẫn đầu về doanh số bán hàng của VAMA trong tháng 12 và cả năm 2020. Cụ thể, trong tháng 12, Thaco bán ra 15.869 xe ô tô các loại, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 16% so với năm 2020. Tính chung cả năm, Thaco bán ra 100.727 xe, tăng 10% so với năm 2019.
Với các kết quả trên, Thaco là đơn vị dẫn đầu về doanh số bán hàng trong năm 2020, tiếp đến là TC MOTOR, Toyota Việt Nam, Mitsubishi, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam….
Nhận định về thị trường ô tô năm 2021, giới chuyên gia cho rằng, sự phục hồi và bứt phá trong những tháng cuối năm 2020 sẽ là một tiền đề tốt cho thị trường ô tô Việt Nam năm 2021. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng ô tô trên thị trường còn rất lớn, cùng với đó là niềm tin vào việc Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, giới chuyên môn tin rằng, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021.
Xem Thêm: Trần Bá Dương: Vị tỷ phú không sinh ra ở vạch đích, xuất thân từ anh công nhân sửa ô tô, vét mỡ bò
Nguyễn Dung