COVID-19 tạo sức ép về chuyển đổi số ngay trong ngành giáo dục
Theo cập nhật của trang thống kê Worldometer, tính tới ngày 14/4/2020, COVID-19 đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế giới có 1.947.855 người mắc COVID-19 và 121.793 ca tử vong do bệnh này. Còn theo UNESCO, tính tới 05/4/2020, COVID-19 đã ảnh hưởng tới 1,576,767,997 người học trên toàn thế giới, chiếm 91.4% tổng số học sinh sinh viên đang theo học. Đã có 182 quốc gia đóng cửa tất cả các trường học, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Anh, Canada, Nga và Trung Quốc. Có thể nói, COVID-19 đã giáng một loạt bom tấn xuống đời sống kinh tế, chính trị xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có giáo dục.
PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, ĐH Kinh tế Quốc dân đã có những đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 cũng như các giải pháp mang tính vĩ mô để ngành giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng vượt qua được khó khăn hiện tại.
Báo cáo đánh giá tác động COVID-19 của ĐH Kinh tế Quốc dân công bố hồi đầu tháng 4 cũng cho biết: Kịch bản dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020, khu vực giáo dục sẽ suy giảm 35%, tạo ra xu hướng chuyển đổi học trực tuyến. Kịch bản xấu hơn, dịch kéo dài tới hết tháng 6/2020, khu vực giáo dục có thể suy giảm tới 65%, tái cơ cấu lao động ngành. Điều này có thể gây ra nguy cơ đóng cửa hàng loạt cơ sở giáo dục ngoài công lập, gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.
Trước tình trạng này, các nhà làm giáo dục cần biến thách thức thành cơ hội thế nào là câu hỏi rất cần được giải đáp.
Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, trong nền kinh tế thị trường của một xã hội toàn cầu hóa ở thời đại CMCN 4.0 thì cần thích nghi. Và để thích nghi, chúng ta phải nhìn nhận rằng thách thức chính là sức ép, biến sức ép thành động lực buộc chúng ta phải tìm ra hướng đi mới. Chỉ có thể chọn đổi mới hay là chết. Trước đây khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhưng với cuộc sống số, với CMCN 4.0, chúng ta đã không ít lần nghe đến các cụm từ “Làm việc từ xa”, “Học từ xa”, “Làm việc tại nhà”, “Học tập tại nhà” và hiện tại, dường như các thuật ngữ tưởng như xa lạ đó đã và đang trở thành hiện thực.
“Người ta luôn nói rằng công nghệ thông tin dành cho giới trẻ, nhưng các GS của chúng tôi cũng đã trở nên thành thạo với việc mở lớp dạy trực tuyến, giảng dạy trên nền tảng LMS, đã tham gia vào các chat-room của Skype, của Zoom, và giảng dạy trên Microsoft Teams. “Đại học thông minh” đã dần hiện diện tại ĐH Kinh tế Quốc dân cũng như tại nhiều cơ sở giáo dục khác trên toàn quốc”, bà Huyền nói.
PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng: Trước hết, để tận dụng được cơ hội từ những thách thức, các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải nhìn ra được các cơ hội đó. Những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm luôn là những người tiên phong nhận ra các cơ hội giữa thách thức. Chấp nhận thử thách, dám thử những điều mới mẻ là những gì cần có để nhận ra cơ hội ấy.