Dự kiến, phiên tòa xét xử lần này sẽ được diễn ra trong khoảng 1 tuần. Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, Luật sư Đặng Hoài Vũ - Văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự, người bào chữa cho bị cáo Lê Quang Minh nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, dù tuổi cao sức yếu, trong thời tiết rét đậm Hà Nội, nhưng chiều ngày 17/1/2021, bị cáo Lê Quang Minh sẽ có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị tham gia phiên toà sáng mai (18/1) theo giấy triệu tập của TAND TP Hà Nội. Theo Luật sư Đặng Hoài Vũ bị cáo Lê Quang Minh rất thiện chí, sẵn sàng hợp tác trong việc xét xử vụ án.
Về việc cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (đang bỏ trốn), luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Vũ Huy Hoàng đánh giá, nếu bà Thoa có mặt tại phiên tòa, sự thật sẽ được rõ hơn.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Trong vụ án này, cùng ra Tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (SN 1953) còn có 9 đồng phạm khác, gồm: Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (SN 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (SN 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (SN 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (SN 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh).
Theo cáo trạng, từ năm 2012- 2016, ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) cùng ông Phan Chí Dũng có các văn bản chỉ đạo các cán bộ tại Tổng Công ty cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dùng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp (DN) tư nhân thành lập Sabeco Pearl, để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho DN tư nhân tham gia liên doanh, để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật.
Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.
Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 7/1
Quá trình điều tra, ông
Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa (người đang bỏ trốn và bị truy nã).
Tám bị cáo còn lại bị VKS truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", theo quy định tại điểm b khoản 3, Điều 229 – BLHS năm 2015.
Trước đó, tại phiên xử ngày 7/1, do vắng mặt 3 bị cáo là: Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh. Ngoài ra, đại diện Giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều người liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt. Có mặt 20 trên tổng số 21 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo.
HĐXX cho rằng việc vắng mặt 3 bị cáo có tên nêu trên là không có lý do chính đáng; nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giám định viên… vắng mặt không có lý do.
Xét thấy sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Đồng thời, HĐXX cũng yêu cầu cơ quan tố tụng có liên quan tiếp tục trích xuất và tống đạt, yêu cầu các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên tòa được mở lại.
Nguyễn Dung