Đảm bảo an ninh năng lượng nền tảng cho phát triển bền vững
20:20 | 12/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang được khai thác gần như cạn kiệt.
Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Đảm bảo an ninh năng lượng - Nền tảng phát triển bền vững” do báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 12/6.
Cụ thể, theo nhiều chuyên gia đánh giá, điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 sẽ chỉ chiếm khoảng 12,4%. Mặt khác, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Cụ thể, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng là nước xuất khẩu than lớn, đỉnh điểm lên tới 20 triệu tấn than/năm. Nhưng từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và dự kiến sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện đến năm 2020, tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than vào những năm sau đó.
Đánh giá về vấn đề này, ông Ngô Đức Lâm, Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những vấn đề về an ninh hàng đầu của mỗi quốc gia. Tầm quan trọng của an ninh năng lượng đứng ở vị trí thứ 5 trong số 7 vấn đề an ninh… Tuy nhiên, vấn đề an ninh năng lượng không những cần bảo đảm đủ mà còn phải ổn định trong thời gian dài. Do đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể, đáng tin cậy, lâu dài nhằm bảo đảm cho vấn đề an ninh năng lượng. Ngoài ra, cũng cần chú trọng yếu tố chi trả đủ về mặt tài chính của cả xã hội cho an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, không thể đánh giá an ninh năng lượng một cách cảm tính, chúng ta phải nhận thức rõ áp lực an ninh năng lượng lên xã hội hiện nay. Trên thế giới có các tiêu chí đánh giá an ninh năng lượng khác nhau theo hoàn cảnh riêng của từng quốc gia. Nhưng ít nhất phải bảo đảm hai yếu tố như: Thứ nhất, đa dạng hoá các nguồn năng lượng sơ cấp như dầu, than, khí… Thứ hai, phải bảo đảm khả năng nhập khẩu năng lượng. Đây là hai tiêu chí bắt buộc với an ninh năng lượng của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Hiện, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 60.000 MW. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế phát triển mạnh như hiện nay, việc bảo đảm an ninh năng lượng theo hướng đủ đã là khó đối với Việt Nam. Bởi khi kinh tế-xã hội phát triển càng mạnh thì nhu cầu về năng lượng phải cao hơn. Theo đó, muốn bảo đảm kế hoạch năng lượng đến năm 2030 thì Việt Nam sản xuất khoảng 40 triệu tấn than và sẽ phải đi nhập khoảng 80 triệu tấn than để đảm bảo cho an ninh năng lượng. Nhưng Việt Nam chưa có lộ trình nhập than “dài hơi” như vậy. Vì thế, vấn đề an ninh năng lượng khó đảm bảo trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhìn nhận: Nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra từ những năm 2020 là vấn đề hiện hữu được Tập đoàn Điện lực thừa nhận. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm: Thứ nhất, nguồn điện đưa vào sử dụng theo dự kiến là 4.000-5.000 MW, nhưng nguồn này theo quy hoạch thì chủ yếu là nhiệt điện than. Theo báo cáo mới đấy nhất của Bộ Công thương, đa phần dự án chậm tiến độ là các dự án nhiệt điện than. Vì sao lại chậm? Trước hết là do không huy động được tài chính, tiếp đó là khó khăn quy hoạch địa điểm bởi có sự đồng thuận của địa phương hay không. Cuối cùng là có những dự án đã quy hoạch được địa điểm nhưng vì khó khăn về vấn đề tài chính, thiếu nguồn than nhập khẩu.
Thứ hai, có những nguồn mới là năng lượng tái tạo nhưng không được ưu tiên trong quy hoạch. Như vậy, một loạt nguồn năng lượng tái tạo, tính đến cuối tháng 6 này lên tới 5.000 MW điện mặt trời, nhưng bị vướng về vấn đề truyền tải, về vấn đề hoà lưới. Tức là có nguồn nhưng không có lưới điện để đưa đi. Cả hai vấn đề này đều liên quan đến triết lý quy hoạch. Chúng ta chọn việc phụ thuộc nhiều vào nguồn điện than mà chưa tính toán đến phương án đa dạng về an ninh năng lượng để có phương án bổ sung nguồn mới.
Thứ ba, nhu cầu tăng cao mà nguồn cung giới hạn, nên phải tìm nguồn khác và phải lựa chọn nguồn nhiên liệu được ưu tiên. Chúng ta đã có những chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này, đặc biệt đã có luật quy định, nhưng hiệu quả của việc ưu tiên đầu tư, chính sách, nỗ lực thực hiện trong vấn đề này chưa được như mong muốn để có thể cắt giảm được nhu cầu. Đây cũng là lý do vì sao nhiều ngành sử dụng điện phát triển dẫn đến ngành điện phải chạy theo để đáp ứng cho những ngành tiêu tốn điện năng như sắt, thép, xi măng.
Đưa ra kiến nghị để đảm bảo an ninh năng lượng, theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng thì Chính phủ, Quốc hội và các nhà chuyên môn nên chọn nguồn nào cho phù hợp với Việt Nam: năng lượng tái tạo, nhiệt điện than, thủy điện, năng lượng mặt trời… phù hợp với Việt Nam, giá thành rẻ, bảo vệ môi trường để bảo đảm mọi người dân có đủ điện để sử dụng và sản xuất. Để lựa chọn nguồn nào thích hợp cho Việt Nam trong giai đoạn này hay giai đoạn khác đều phải liên quan đến vấn đề kinh tế và môi trường. Do đó, phải tính toán được các vấn đề như đầu vào của nhiệt điện than là bao nhiêu, công nhân bao nhiêu để có 1 kW; rồi năng lượng mặt trời là bao nhiêu, năng lượng gió là bao nhiêu…
Bà An cho rằng khi đã hợp lý thì người dân sẽ đồng thuận, khi người dân đồng thuận thì sẽ có tất cả. Vì vậy, cần phải tính toán cụ thể, minh bạch để tham mưu cho Chính phủ chọn loại hình nào cho phù hợp, vẫn bảo đảm an ninh năng lượng, sự hài hòa về môi trường, bảo đảm hưởng thụ trong ngưỡng chịu được về giá của người dân.