Đạm Phú Mỹ (DPM): Kinh doanh khởi sắc, lãi ròng năm 2022 cao hơn 5 năm trước cộng lại

Lạc Lạc 16:44 | 02/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) mới công bố, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý có phần "hụt hơi" so với cùng kỳ. Tuy nhiên luỹ kế cả năm, nguồn lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục, hơn cả 5 năm trước cộng lại.

Cụ thể, Đạm Phú Mỹ thu về 3.879 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 23% so với cùng kỳ 2021. Nguồn doanh thu đến hoàn bộ từ trao đổi hàng hoá, với bán sản phẩm trong nước 3.041 tỷ và sản phẩm xuất khẩu 838 tỷ đồng. Giá vốn theo đó cũng giảm 17% xuống còn 2.260 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm xuống 42% từ 47% cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, Đạm Phú Mỹ thu về 157 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ do sự tăng mạnh của lãi tiền gửi và tiền cho vay, trong khi đó chi phí tài chính không có biến động đáng kể. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng hơn 8% lên 506 tỷ đồng. 

Trừ các khoản chi phí, Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 1.277 tỷ và 1.140 tỷ đồng, giảm 36% và 32% so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận 18.627 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 46% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 5.606 tỷ đồng - tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp phân bón này, cao hơn tổng lợi nhuận của 5 năm trước đó cộng lại. 

 

Năm 2022, Đạm Phú Mỹ đã về đích với kết quả sản xuất kinh doanh đều vượt so với kế hoạch. Cụ thể, sản lượng sản xuất ure Phú Mỹ đạt 912.000 tấn, vượt 10% kế hoạch; UFC85 đạt 13.000 tấn, vượt 2% kế hoạch; NH3 đạt 72.800 tấn, vượt 4% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất ure năm 2022 đã về đích trước kế hoạch 36 ngày và đây là năm mà sản lượng sản xuất đạt kỷ lục kể từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến nay. 

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, doanh nghiệp đã thông qua mức chi trả cổ tức tăng từ 50% trong kế hoạch trước đó lên 70%, tương đương 7.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được Ban điều hành Đạm Phú Mỹ dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ đạt 17.748 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm, tương ứng 3.830 tỷ đồng.Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 8.963 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản; bao gồm: 308 tỷ đồng tiền mặt, 1.576 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 7.080 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

Hàng tồn kho tăng 44% lên 4.011 tỷ đồng, tăng 44% do sự gia tăng hàng mua đi đường, thành phẩm và đặc biệt là dự phòng giảm giá hàng tồn kho với gần 91 tỷ đồng, gấp 28 lần so với ngày đầu năm.

Nợ của doanh nghiệp tăng 15% so với hồi đầu năm, ghi nhận ở mức 3.708 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.023 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 707 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý IV đạt 14.039 tỷ đồng, tăng 31%. 

 

Dù đạt kết quả vượt dự định trong năm 2022, thế nhưng trước những khó khăn đã được dự báo trước, Đạm Phú Mỹ hạ mục tiêu sản xuất kinh doanh trong 2023. Cụ thể, trong năm nay, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng, dự định nộp 637 tỷ đồng ngân sách nhà nước. So với kết quả đạt được trong năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.

Mục tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh giá urê năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Trong đó, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021.

Báo cáo từ SSI Research cuối tháng 12/2022 nhận định, xuất khẩu urê từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi. Song cần lưu ý rằng cả Trung Quốc và Nga đều nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2022 so với nửa đầu năm, SSI kỳ vọng xu hướng này sẽ kéo dài đến năm 2023.

Nhu cầu urê có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp. Quý IV thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá urê không tăng trong quý IV năm 2022. Điều này phản ánh nhu cầu đang suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023, báo cáo từ SSI cho biết.