Đạm Phú Mỹ (DPM) chuẩn bị chi đậm gần 1.200 tỷ để trả cổ tức lần 2
Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DPM sẽ chi khoảng hơn 1.173 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức lần này. HĐQT giao cho Tổng Giám đốc thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức trong tháng 8. Ngày thực hiện dự kiến vào 31/8.
Trước đó, ngày 22/3, DPM đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40% cho cổ đông (tương ứng chi hơn 1.564 tỷ đồng).
Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra vào cuối tháng 12/2022, DPM đã thông qua nội dung điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức năm 2022 từ 50% lên 70% bằng tiền mặt, được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 và từ năm 2021 chuyển sang. Như vậy, sau đợt tạm ứng cổ tức ở trên, DPM đã hoàn thành việc trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông.
Về tình hình kinh doanh năm 2022, Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế 6.646 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt trên 5.606 tỷ đồng, tăng 76,8% so với số lãi 3.172 tỷ đồng đạt được năm 2021 và là số lãi cao nhất công ty từng đạt được. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý IV năm ngoái hơn 6.400 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, tiền và tương đương tiền của Đạm Phú Mỹ đến 31/12/2022 còn gần 1.900 tỷ đồng, giảm 640 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó có 1.575 tỷ đồng các khoản tương đương tiền, 305 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Ngoài ra công ty còn khoản tiền gửi có kỳ hạn 7.080 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm). Đây chính là nguyên nhân khiến doanh thu tài chính công ty tăng mạnh.
Là doanh nghiệp hoạt động ổn định trong ngành hoá chất, Đạm Phú Mỹ là đơn vị thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.
Sau năm 2022 với lãi đậm, sự khó khăn đã thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh những tháng đầu năm của DPM nói riêng và các doanh nghiệp cùng ngành nói chung. Giá ure thế giới liên tục giảm mạnh, có lúc rơi xuống dưới 300 USD/tấn vào hồi đầu tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70%. Đến tháng 7 giá ure cũng đã có phần hồi phục khi vượt mức 400 USD/tấn.
Dù vậy, nhiều công ty chứng khoán dự báo ngành phân bón vẫn sẽ chưa gặp nhiều thuận lợi trong nửa cuối năm. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của DPM hồi tháng 6 vừa qua, ban lãnh đạo công ty năm 2023 sẽ là một năm khó khăn và thử thách đối với ngành phân bón khi mà các yếu tố về thị trường, giá khí có thể sẽ diễn ra không suôn sẻ.
Đáng chú ý là nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn cũng như các nguồn khí rẻ sụt giảm về sản lượng. Chính vì thế mà một trong những mục tiêu trọng điểm của công ty trong năm nay chính là tìm kiếm được nguồn khí ổn định dài hạn để có thể phục vụ cho hoạt động sản xuất đạm.
Đối với giá ure, Phó Tổng giám đốc DPM Cao Trung Kiên nhìn lại năm 2022, bởi vì nguồn cung đứt gãy đã khiến cho giá ure tăng đột biến. Trong năm 2023 thì ngược lại, nguồn cung từ Trung Quốc, Nga đã trở lại khiến cho cung vượt cầu. Còn nhu cầu năm nay mặc dù đã cải thiện so với năm 2022 tuy nhiên vẫn chưa thể bằng với năm 2021.