Dần lộ diện kết quả kinh doanh các ngân hàng năm 2024
Tăng trưởng tích cực
Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng hơn 8% so với năm trước đó, ước đạt 27.927 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Agribank đã vượt mốc 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Huy động vốn đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,5%, trong khi dư nợ tín dụng đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 1,56%, phản ánh sự cải thiện tích cực trong công tác quản trị rủi ro.
Trong năm qua, Agribank đã nhận được khoản bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã xử lý gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn từ 2021 đến 2024 và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% vào năm 2025.
Ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2023 và vượt 12% mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, trong khi tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch 10,6% và 16,8%.
NCB đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gần 11.800 tỷ đồng, gấp đôi so với trước đó, thông qua đợt phát hành cổ phiếu thành công. Theo lộ trình, NCB sẽ tiếp tục tăng vốn và dự kiến quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028, củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý, NCB đang triển khai các giải pháp mạnh mẽ theo phương án cơ cấu lại, bao gồm thu hồi tài sản tồn đọng vượt 130% mục tiêu và giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu. Hoạt động kinh doanh mới (good bank) của ngân hàng đạt kết quả khả quan với tổng thu nhập thuần (TOI) sau dự phòng rủi ro đạt 2.968 tỷ đồng. Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mới đạt 1.339 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), tính đến cuối năm 2024, huy động vốn của ngân hàng tăng 7,5%, dư nợ tín dụng tăng 10,4% và thanh toán đối ngoại tăng mạnh 36% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn huy động từ doanh nghiệp và dân cư chiếm 86% tổng nguồn vốn, phản ánh sự cân đối và tăng trưởng bền vững. Dù nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ do tác động từ khó khăn kinh tế, tỷ lệ này vẫn duy trì dưới 3%, tuân thủ quy định Ngân hàng Nhà nước. SaigonBank cho biết đã trích lập dự phòng đầy đủ, có tài sản đảm bảo, đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Có sự phân hóa
Đánh giá tích cực về kết quả kinh doanh năm qua, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mỗi ngân hàng đều có thế mạnh riêng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tận dụng hiệu quả chiến lược tín dụng và quản lý tài sản; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nổi bật với khả năng tăng trưởng linh hoạt nhờ nguồn thu từ các hoạt động ngoài lãi.
VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của MB đạt mức 9.006 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng lợi nhuận cả năm lên 29.742 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 13%. Lợi nhuận trước thuế của Sacombank được dự báo đạt 3.455 tỷ đồng trong quý IV, tăng hơn 25%, đưa lợi nhuận cả năm lên 11.549 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Tương tự, VPBank dự báo đạt lợi nhuận trước thuế quý IV ở mức 5.659 tỷ đồng, tăng 109%, giúp tổng lợi nhuận năm 2024 đạt 19.511 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra những dự báo tương tự, với lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,1% so với quý III. Tuy nhiên, biên lãi thuần (NIM) được dự đoán giảm nhẹ và thu nhập ngoài lãi chưa có sự phục hồi rõ rệt. Đồng thời, chi phí dự phòng tăng 1,4% so với cùng kỳ do mức nền cao của năm 2023.
Đáng chú ý, MBS dự báo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có mức tăng trưởng lợi nhuận quý IV ấn tượng, tăng 300% so với cùng kỳ, nhờ mức nền thấp năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận cả năm của OCB vẫn giảm 18% so với năm 2023. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, lần lượt đạt 172% và 108% trong quý IV.
Các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)... được dự báo tăng trưởng lợi nhuận từ 3-20% trong quý IV. Ngược lại, một số ngân hàng có thể chứng kiến lợi nhuận sụt giảm trong quý IV/2024 như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank)...
MBS dự đoán tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng quốc doanh sẽ dao động từ 4% đến 4,5%, với biên lãi thuần ở mức thấp, phản ánh sự thận trọng trong điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục./.