Danh sách cổ đông lớn của TPBank có gì đặc biệt?

Đông Bắc 12:13 | 09/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (mã: TPB) vừa cung cấp danh sách 22 cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ ngân hàng trong đó có 13 tổ chức và 9 cá nhân. Đáng chú ý, ông Đỗ Minh Phú không nắm trực tiếp trên 1% vốn của nhà băng này.

 

Ông Đỗ Minh Phú nằm ngoài danh sách cổ đông nắm trên 1%

Theo Luật Các Tổ chức tín dụng mới (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024), Ngân hàng TMCP Tiên Phong -TPBank (mã: TPB) công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.

Danh sách TPBank công bố gồm 22 cổ đông, trong đó có 13 tổ chức và 9 cá nhân. Đứng đầu danh sách nắm lượng vốn lớn nhất tại nhà băng này là Công ty CP FPT với 149 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 6,77% vốn ngân hàng.

Đứng thứ 2 là Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, với tỷ lệ sở hữu 5,93% vốn. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập của doanh nghiệp này, cũng là Chủ tịch HĐQT TPBank. 

TPBank vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ. Ảnh TPB.

Ngoài ra, có 11 tổ chức khác sở hữu trên 1% vốn điều lệ TPBank, trong đó, nhóm Cổ đông SBI Ven Holdings PTE. LTD và người có liên quan đang nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ TPBank, Quỹ PYN Elite Fund (NON-UCITS) nắm 3,59%, Tổ chức International Finance Corporation (IFC) nắm 1,17% và Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited nắm 1,12%.

Như vậy, tổng số lượng cổ phần của nhóm Cổ đông nước ngoài tại danh sách công bố là 25,88% vốn điều lệ TPBank (theo quy định hiện hành thì tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam).

Đáng chú ý, ông Đỗ Minh Phú không thuộc nhóm cổ đông nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng. Dù vậy, em trai ruột ông Phú là ông Đỗ Anh Tú, hiện là Phó chủ tịch HĐQT TPBank, lại nắm 3,71% vốn ngân hàng. Ông Đỗ Minh Quân và bà Đỗ Quỳnh Anh (đều là con của ông Tú) cũng là cổ đông tại TPBank, nắm 3,34% và 3,07% vốn ngân hàng.

Trong khi đó, 2 cổ đông cá nhân có liên quan tới Tập đoàn DOJI là ông Đỗ Minh Đức Phó chủ tịch thường trực và bà Đỗ Vũ Phương Anh Tổng giám đốc (hai người con trai và con gái của ông Phú) mỗi người cùng nắm gần 240 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng 1,11% vốn ngân hàng. Như vậy, người nhà và doanh nghiệp có liên quan đến ông Đỗ Minh Phú sở hữu 18,27% vốn TPBank.

Một lãnh đạo khác của TPBank là ông Lê Quang Tiến hiện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT cũng đang sở hữu hơn 3,6% vốn điều lệ. Người liên quan tới ông Tiến hiện sở hữu lượng vốn rất nhỏ của TPBank.

Tình hình kinh doanh của TPBank ra sao?

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2024, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của TPBank ước đạt 3.733 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mảng kinh doanh đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao 17,5%.

Nhờ các tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế chung, tín dụng của ngân hàng quý II dần lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, dư nợ thị trường 1 và trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 226.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Vào cuối quý II/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 361.555 tỷ đồng, tăng 1,4% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 4%, lên 213.432 tỷ đồng, chủ yếu tập trung trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Số dư nợ xấu của ngân hàng ở mức 4.399 tỷ đồng, nhích nhẹ so với thời điểm cuối năm; tỷ lệ nợ xấu là 2,06%.

Trong khi đó, tổng huy động của nhà băng này tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nguồn vốn CASA chất lượng tiếp tục được củng cố khi đạt trên 22% (tính đến ngày 30/06/2024).