Danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Fortune gọi tên 3 'bông hồng thép' Việt Nam

Trang Mai 16:13 | 09/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Fortune vừa công bố danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đại diện năm nay đến từ 11 quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm - đồ uống, nhà hàng - khách sạn. Trong đó, 3 nữ doanh nhân Việt có mặt trong bảng xếp hạng là Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vinamilk Mai Kiều Liên và CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.

Năm nay là năm đầu tiên Fortune công bố danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Hơn một nửa số đại diện năm nay là các CEO, 26 người là chủ tịch và 11 người là giám đốc tài chính.

13 đại diện là lãnh đạo vùng của các công ty đa quốc gia lớn như Starbucks, McDonald's hay Nike. Hơn 10% doanh nhân là người sáng lập công ty họ đang lãnh đạo.

Fortune đánh giá các nữ doanh nhân trong danh sách năm nay đã cải cách công ty, tạo đột phá trong ngành, thúc đẩy tăng trưởng, truyền động lực cho các đồng nghiệp và thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Họ được chọn dựa trên quy mô doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược, khả năng tạo đột phá, tầm ảnh hưởng với nền kinh tế và trách nhiệm xã hội.

3 nữ doanh nhân Việt có mặt trong bảng xếp hạng là Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vinamilk Mai Kiều Liên và CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.

 3 nữ doanh nhân Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng củaFortune. Ảnh:Fortune.

Theo Fortune, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người sáng lập và hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của VietJet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Bà cũng là nữ tỷ phú của Việt Nam góp mặt trong danh sách của Forbes nhiều năm qua. 

Theo công bố của Forbes ngày 2/4 mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tổng giá trị tài sản tính đến năm 2024 là 2,8 tỷ USD.

Trong năm ngoái, bà Thảo ghi nhận gần 990 tỷ đồng cho thù lao vị trí Chủ tịch HĐQT của Vietjet, thấp hơn Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà. Theo thuyết minh, bà Thảo không nhận thù lao bằng tiền và sử dụng để khen thưởng cho nhân viên xuất sắc và sáng tạo công việc từ quý II/2023. 

Xếp thứ 71 trong bảng danh sách của Fortune là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, CEO của ngân hàng Sacombank. Bà Diễm gia nhập ngân hàng vào năm 2002 và được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2017. Kể từ đó, Sacombank vượt mục tiêu tăng trưởng của cổ đông, tăng gấp đôi tài sản lên 27 tỷ USD. Hiện tại, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chỉ sở hữu 76.320 cổ phiếu STB của Sacombank. 

Khác với nhiều nhà băng khác, thu nhập của các cá nhân trong HĐQT và Ban giám đốc của Sacombank không được công bố trong các báo cáo tài chính. 

Sacombank chỉ hé lộ thu nhập bình quân các thành viên Ban điều hành của ngân hàng và các công ty con trong năm 2023 là 290 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân Ban điều hành cao gần 10 lần so với mức bình quân của gần 18.500 cán bộ nhân viên ngân hàng này. Năm 2023, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên Sacombank đạt 29,8 triệu đồng/người/tháng.

Nữ doanh nhân thứ 3 của Việt Nam có mặt trong danh sách là CEO Vinamilk Mai Kiều Liên. 

Bà Liên bắt đầu sự nghiệp với tư cách là kỹ sư tại một nhà máy sữa sau khi tốt nghiệp năm 1976 và sớm trở thành Tổng giám đốc điều hành. Hiện nay, Vinamilk có giá trị vốn hóa lên tới 6 tỷ USD trên sàn chứng khoán HoSE. 

Bà Mai Kiều Liên, với vai trò Thành viên HĐQT nhận mức thù lao gần 2 tỷ đồng năm 2023. Đồng thời, bà Liên được trả mức lương trung bình 400 triệu đồng/tháng (4,8 tỷ đồng/năm) cho vị trí Tổng giám đốc. Tổng cộng năm trước, bà Liên nhận lương và thù lao khoảng 6,8 tỷ đồng.