Đầu tư công và khu vực dịch vụ sẽ giúp kinh tế Việt Nam vượt khó năm 2024

Anh Đào 09:15 | 30/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Ngân hàng Shinhan Việt Nam, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức nhưng việc tăng chi tiêu đầu tư công và hỗ trợ từ khu vực du lịch sẽ góp phần giúp kinh tế Việt Nam vượt qua các thách thức, tiến tới mức tăng trưởng dự kiến 5% trong năm 2024.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam vừa phát hành báo cáo nêu nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Nhóm phân tích cho rằng sản xuất và xuất khẩu dự kiến ​​sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại do nhu cầu toàn cầu chậm lại và đà phục hồi kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Tăng trưởng dự kiến ​​sẽ phục hồi chậm, tuy nhiên việc mở rộng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ với lượng khách du lịch tăng sẽ là động lực cho tăng trưởng.

"Môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức nhưng việc tăng chi tiêu đầu tư công và hỗ trợ từ khu vực du lịch sẽ góp phần vượt qua các thách thức, tiến tới mức tăng trưởng dự kiến 5% trong năm 2024", báo cáo nêu.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Như vậy xét về số tuyệt đối, đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

 

 

Cơ quan thống kê cũng cho biết dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 62%. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào đà đi lên của dịch vụ. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,82% so với năm trước, và cao hơn các năm 2020-2021.

Về tình hình khách quốc tế đến Việt Nam, tính chung năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 nhưng mới chỉ bằng 70% năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo Shinhan Việt Nam, dự kiến lượng khách quốc tế sẽ tăng hơn nữa nhờ việc nới lỏng chính sách thị thực.

 

Báo cáo của ngân hàng này cũng đề cập đến việc Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và khai khoáng, do đó dự báo Việt Nam ​​sẽ tăng cường thu hút đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.    

Một yếu tố thuận lợi nữa với kinh tế năm 2024 là Việt Nam được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp “hồi hương” của Mỹ đã khiến cho thị phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm mạnh, trong khi thị phần hàng Việt Nam vào Mỹ tăng đáng kể.

Sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa của Trung Quốc vào năm ngoái, các công ty toàn cầu đang đẩy nhanh việc di dời cơ sở sản xuất sang các nước như Việt Nam, Campuchia và Mexico.

Ngân hàng này cho rằng Việc Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế như ký kết FTA với nhiều nước, tham gia Hiệp định CPTPP, RCEP, và Khuôn khổ IPEF cũng góp phần thu hút đầu tư.