Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để duy trì đà tăng trưởng cả trong dịch COVID-19

11:05 | 27/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến chi tiêu của nền kinh tế sụt giảm ở tất cả các khu vực. Trong bối cảnh đó, nếu chi tiêu khu vực công được đẩy nhanh có thể tạo ra sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày  26/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng trung du - miền núi phía bắc (TDMNPB).

Theo tin trên báo Nhân Dân, tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề nghị các địa phương ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.

Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để duy trì đà tăng trưởng cả trong dịch COVID-19 - ảnh 1

Dự án đầu tư công chủ yếu về các công trình giao thông. Ảnh: Việt Dũng

Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

Chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.

Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong trường hợp không có khả năng thực hiện giải ngân hết kế hoạch năm 2020 được giao, chủ động đề xuất điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.

Dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến chi tiêu của nền kinh tế sụt giảm ở tất cả các khu vực. Trong bối cảnh đó, nếu chi tiêu khu vực công được đẩy nhanh có thể tạo ra sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Năm nay, lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái (với gần 30 tỷ USD tương đương gần 700.000 tỷ đồng). Nhưng quá nửa năm, tình hình giải ngân còn rất chậm, đạt 159.397,1 tỷ đồng, tương đương 33,9% kế hoạch (trong đó, giải ngân vốn ODA mới chỉ được 13,1%), vẫn còn lượng vốn rất lớn chưa được giải ngân.

Chính vì vậy, cần phải chấm dứt tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2020

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 3 "cỗ xe tam mã" cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng, nhằm thúc đẩy, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bộ KH&ĐT cho biết sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021.

Ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương. Các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và nhằm để giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của từng địa phương và của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Quan tâm, ưu tiên đầu tư các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ổn định dân cư, các dự án phục vụ hạ tầng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Nói về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi 3 dự án đầu tư BOT cao tốc Bắc-Nam sang hình thức đầu tư công là một trong những giải pháp đẩy mạnh đầu tư công nhằm tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội (MASSEI), cho rằng việc chuyển đổi 3 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc-Nam sang hình thức đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ dự án, rút ngắn thời gian thực hiện là cần thiết, nếu dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công và được tính toán hiệu quả kỹ lưỡng.

Chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ 3 dự án này trong bối cảnh tư nhân khó khăn, không thu xếp được nguồn vốn tham gia các dự án.

"Tuy nhiên, cần tránh bỏ vốn ngân sách đầu tư chỉ vì mục tiêu duy nhất kích cầu nhằm tăng trưởng cao hơn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn kích cầu trước đây", ông Minh nói.

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định tăng chi tiêu công hoàn toàn đúng về nguyên lý và thực tiễn. Trước hết, đây là chi tiêu ngược chu kỳ. 

Lúc nền kinh tế khó khăn, ngân sách cần chi tiêu mạnh hơn để tạo nguồn lực cho nền kinh tế vận hành, còn lúc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt thì chi tiêu ngân sách tiết kiệm hơn.

Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc chuyển đổi sang đầu tư công với các dự án này, nhưng cho rằng điều quan trọng là Chính phủ phải cân đối nguồn lực có đủ hay không khi ngân sách eo hẹp, các nguồn thu thuế, phí có xu hướng giảm, trong khi đâu cũng cần chi tiêu cả. Đến thời điểm hiện tại chi phí phòng chống dịch vẫn là một ẩn số, vì chưa biết khi nào dịch sẽ kết thúc.

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc Chính phủ bơm thêm nguồn lực vào nền kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư công là phù hợp. Hơn nữa, những năm gần đây đầu tư công giải ngân rất chậm nhưng chưa có giải pháp để tháo nút thắt này. 

Đã đến lúc cần một "liều thuốc" mạnh, cần các biện pháp "mạnh tay" để trị dứt "căn bệnh trầm kha" trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn đã kéo dài trong nhiều năm nay. Đây cũng là tiền đề để thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm không còn là câu chuyện muôn thủa "biết rồi, nói mãi" như trong thời gian qua.

Lệ Vỹ (t/h)