Đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế ngay sau hết dịch
Theo đó, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân lúc này, tuy nhiên còn những vấn đề khác Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính đến như xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Điều này cần một tư duy mới cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy. Các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.
“Đây cũng là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu COVID-19," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời thông qua việc đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh).
Những vấn đề này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới và nghiên cứu, chuẩn bị các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để chủ động tổ chức thực hiện.
Trước đó, ngày 03/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công điện số 01/CĐ-BKHĐT cũng đã gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về biện pháp bảo đảm an sinh xã hội và nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Theo Công điện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về: Tăng trưởng kinh tế (các chỉ tiêu như GRDP, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, khách du lịch…); đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giải thể, tạm dừng hoạt động, tình hình huy động vốn, trả lương cho người lao động, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…); đời sống người dân (tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm, giá cả một số mặt hàng thiết yếu,…); công nhân và người lao động (số lượng người lao động mất việc, tạm ngừng việc, giảm lương, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp,…); các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng (số lượng đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng cần hỗ trợ,…).
Đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó trọng tâm là chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo hoàn thành nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng của các thành phần kinh tế; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công. Nghiên cứu xây dựng hoặc đề xuất cơ chế tổng hợp và chia sẻ thông tin về các đối tượng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.