ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn: Cần đánh giá kỹ hơn gói hỗ trợ 62.000 tỷ
Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ ý kiến tán thành những giải pháp phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới và mong muốn Chính phủ, Quốc hội đánh giá kỹ hơn gói hỗ trợ 62.000 tỷ.
Sáng 4/11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục thảo luận những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà Nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2021 tới đây và nhiều vấn đề khác.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết ông đặc biệt tán thành những giải pháp phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đồng thời mong muốn Quốc hội và Chính Phủ tiếp tục đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ và tiếp tục bổ sung các gói hỗ trợ theo hướng tăng thêm và những giải pháp khắc phục thiệt hại sau thiên tai tại miền Trung vừa qua.
Thị trường lao động chịu nhiều tác động tiêu cực
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn nhận định: Về lao động việc làm, thị trường lao động đang chịu những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cao, nguồn cung lao động và một số lượng lao động có việc làm giảm mạnh, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua. Đại biểu đề nghị phân tích kĩ hơn về những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình KT-XH, xu hướng chuyển đổi loại hình của công việc trong bối cảnh mới.
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính mỗi năm cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước là 1,2 triệu người. Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của 9 tháng năm 2020 đã gần 1,2 triệu người, tăng 132.100 người so với cùng kì năm trước.
Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến số lượng người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, con số này là 31,8 triệu người; bao gồm những người bị mất việc, nghỉ việc, giảm việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm. Trong đó có 40% người lao động phải giảm giờ làm và 14% người lao động phải tạm nghỉ. Thực tế cho thấy đời sống người lao động nói chung đang bị ảnh hưởng nặng nề. Dù chúng ta đánh giá cao những quan tâm và nỗ lực của Chính phủ và những thành quả đạt được trong việc khống chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, chúng ta vẫn phải nhìn một cách rõ nét vào những "góc tối" của bức tranh nói trên.
Đại biểu cũng trích lời Trưởng Bộ phận phân tích kinh tế xã hội Khu vực ILO, những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên đã tăng lên bội phần do đại dịch COVID-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một thế hệ bị phong tỏa, phải gánh chịu những hậu quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng sau nhiều năm nữa.
Ông Nguyễn Bá Sơn đánh giá, dù vẫn còn rất nhiều hi vọng, song thực tế thời gian phục hồi kinh tế sẽ khá dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán cụ thể hơn, có chính sách cụ thể hơn đối với đội ngũ công nhân, người lao động bị mất việc hiện nay; chính sách nào hỗ trợ hiệu quả nhất và việc chuyển đổi ngành nghề ra sao trong thời gian phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch có thể dài hơn 1 năm.
Theo đại biểu Sơn, thương mại trong nước ngày càng được cải thiện đặc biệt là hệ thống bán buôn - bán lẻ. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, về vùng sâu, vùng xa, về các khu công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên toàn cầu.
Tuy nhiên, do cơ cấu sở hữu, hệ thống phân phối bán lẻ đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực ngày cànggay gắt với doanh nghiệp trong nước. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các hoạt động thương mại và dịch chuyển dịch vụ giảm mạnh do tâm lý của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn phức tạp trong những tháng phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tiềm năng thị trường đang "ngủ quên" sau dịch
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Vũ Thị Thu Thủy, trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm lực lượng lao động trung bình tăng 1%. Nếu trong 9 tháng đầu năm 2020 duy trì tốc độ tăng này và không xảy ra dịch COVID-19, nền kinh tế việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Theo bà Thủy: "Nói cách khác thì dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người".
Tỷ lệ thất nghiệp của 9 tháng đầu năm 2020 tăng 0,31% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên đây không phải là mức tăng quá lớn khi so sánh với tỷ lệ thất nghiệp sau 3 quý của Việt Nam là 2,48%, thấp hơn nhiều so với các nước lớn như Canada, Mỹ, Trung Quốc,... Dù tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua, Tổng cục Thống kê nhận định phải xem xét các chỉ số khác gồm tỷ lệ lao động thiếu việc làm và tỷ lệ việc làm phi chính thức cao để đánh giá đúng diễn biến thị trường lao động.
Bà Thủy cũng cho hay, trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tại Việt Nam là 4%, con số này đã tăng lên mức 5,8% vào quý II sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Điều này đã làm chậm khả năng khai thác nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Dù vậy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng đã giảm xuống còn 5,3% khi các hoạt động KT-XH dần hồi phục vào quý III.
Tổng cục Thống kê nhận định thị trường lao động quý IV/2020 có nhiều triển vọng tích cực. Dự kiến tiêu dùng và sản xuất sẽ được đẩy mạnh, người lao động sẽ có nhiều việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp duy trì mức của quý III hoặc thấp hơn. Dự kiến, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% mà Quốc hội giao là có thể đạt được.
Xem thêm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam trả được hơn 1000 tỷ đồng nợ vay dù lợi nhuận suy giảm sau 9 tháng
Linh Chi