Để nền kinh tế Việt Nam không trở thành 'rồng giấy' và bài học từ Malaysia, Thái Lan

Hạ An 17:27 | 09/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 1995, các tổ chức thế giới như IMF, WB hay ADB đều dự báo Thái Lan, Malaysia hay Indonesia sắp trở thành những con rồng mới của châu Á như Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 1997 đã chứng minh điều ngược lại.

Nhắc lại câu chuyện của Malaysia, Thái Lan hay Indonesia vào khoảng 30 năm trước, ông Nguyễn Minh Cường - Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, "cần cẩn trọng với những rủi ro của nền kinh tế bất kể khi được các tổ chức quốc tế nhận định rằng Việt Nam đang thuộc top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và sắp hoá rồng".

Theo ông, khoảng những năm 1995 và 1996, cả World Bank, IMF, OECD, ADB, tất cả các tổ chức định chế tài trình lớn đều đánh giá Indonesia, Malaysia, Thái Lan là những con hồ và những con rồng sắp bay lên như là Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 1997 đã biến những "con rồng" này trở thành rồng giấy. Bởi "tử huyệt" của các nền kinh tế ASEAN thời điểm đó chính là sự tự do hóa quá mức thị trường tài chính và ngân hàng.

Khi thị trường tài chính và ngân hàng tự do hóa quá mức thì chỉ cần một biến cố khiến dòng vốn đầu tư, rút ra nhanh khỏi thị trường sẽ lập tức nó kéo sập toàn bộ hệ thống. Trường hợp các quốc gia ASEAN năm 1997 từng bị như vậy.

Ông Nguyễn Minh Cường - Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: NVCC).

 

Khi các tổ chức định chế thế giới khi họ đưa ra đánh giá bao giờ họ đưa ra hai nhận định: Những mặt tích cực và nhận định thứ hai là những mặt tiêu cực. Và ở thời điểm đó người ta chỉ nhấn mạnh những mặt tích cực mà quên mất mặt tiêu cực.

Tương tự như vậy, trong cái đánh giá gần đây nhất đối với Việt Nam của IMF hay ADB, đều có tách ra làm hai phần: Những điểm sáng và phần thứ hai là những rủi ro.

Chuyên gia Nguyễn Minh Cường chỉ ra rằng, dù tăng trưởng GDP đạt cao nhưng những thách thức ngắn hạn của Việt Nam đều xuất phát từ cơ cấu kinh tế và chúng ta chưa giải quyết được. Chính vì vậy, khi mà có sự rung lắc của nền kinh tế thế giới, những cái điểm yếu về mặt cơ cấu kinh tế sẽ bộc lộ  ra ngay lập tức, và tạo ra những tác động không nhỏ.

Những vấn đề cố hữu của nền kinh tế

Điểm yếu đầu tiên của cơ cấu nền kinh tế theo ông Cường là hệ thống tài chính của Việt Nam còn yếu và dựa rất nhiều vào tín dụng ngân hàng. Điều này gây ra sự rủi ro về kỳ hạn rất lớn, bởi hiện các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn để cho vay chung và dài hạn.

Điểm yếu thứ hai là nền kinh tế vẫn hai thành phần, FDI và thành phần nội địa với sự gắn kết rất ít ỏi. Khu vực FDI đóng góp rất nhiều trong tăng trưởng GDP và thặng dư thương mại. Tính đến hết tháng 6, khu vực FDI xuất siêu khoảng 22 tỷ USD nhưng khu vực doanh nghiệp nội địa nhập siêu dẫn đến thặng dư thương mại của Việt Nam chỉ còn khoảng 13 tỷ USD.

Khu vực FDI đa phần thặng dư trong khi khu vực trong nước thâm hụt cán cân thương mại. (Hạ An tổng hợp từ Wichart).

"Nền kinh tế Việt Nam phục hồi kinh tế không đồng đều", nhận định của IMF hoàn toàn chính xác và nếu có những áp lực từ lạm phát thì thậm chí Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc với việc thắt chặt chính sách tiền tệ nếu không sẽ phải đối mặt với những rủi ro rất lớn.

Trong hai năm qua, sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cũng như những cái gói hỗ trợ, đầu tư công, gói kích cầu và mở rộng chính sách tiền tệ đã hỗ trợ cho nền kinh tế rất nhiều và tạo ra những kết quả vừa rồi. Nhưng nếu không cẩn trọng, thành quả có thể bị đánh mất.

Lực cầu hồi phục nhưng rất mỏng

Với triển vọng ngắn hạn, ông Cường lưu ý sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nợ xấu, đặc biệt là nợ trái phiếu doanh nghiệp. Với hệ thống ngân hàng, nợ xấu nội bảng cũng đang ở mức cao khoảng 5%, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng giảm sút.

 

Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp rất lớn trong tăng trưởng là bất động sản cũng chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong cái bối cảnh như vậy, chuyên gia cho rằng việc tiếp tục những biện pháp kích cầu, chính sách tài khoá, cải cách thể chế đóng vai trò rất quan trọng trong ngắn hạn cũng như trong trung hạn và dài hạn bởi vì nó có thể phục hồi lại dần dần những động lực của kinh tế và tránh bị bào mòn tiếp tục trong thời gian tới.

Mặc dù, cả lực cầu của cả khu vực trong nước và thế giới đều đang được cải thiện nhưng chưa bền vững mà còn là mỏng. Tức là chỉ cần những rủi ro hiện hữu quay trở lại, ví dụ như lạm phát thì sẽ lập tức xóa sổ ngay  thành quả mới đạt được đó.

Ông Cường chỉ ra, điều quan trọng không phải là năm 2024, 2025 sẽ tăng trưởng 6,5 hay 7% mà vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để giải quyết những điểm yếu về cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.

"Liệu chúng ta biến những cái thách thức thành cơ hội của năm 2024 để chúng ta vượt qua và tiếp tục những cải tổ về mặt cơ cấu của nền kinh tế trong năm 2025 và 5 năm tới hay không? mới là nhiệm vụ cần đặt nên hàng đầu", vị chuyên gia này nhấn mạnh.