Để ngăn chặn thông tin sai sự thật cần khuôn khổ pháp lý
Theo Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, để ngăn chặn thông tin sai sự thật cần khuôn khổ pháp lý và triệt để sử dụng công cụ này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng và loại trừ những hành vi làm hoang mang dư luận.
Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, thông tin mạng. Khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám nhận định, báo cáo được đánh giá đầy đủ, đúng mức và khách quan những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức và những tồn tại hạn chế.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt dương 2%, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm, đây là một thành tựu ấn tượng. Thành công của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, trong kiểm soát dịch COVID-19, trong quá trình đã và đang chống trọi, khắc phục thiên tai bão lũ được nhân dân và quốc tế đánh giá cao. Nguyên nhân của thành công đó, báo cáo của cp đề cập đầy đủ, tuy nhiên còn có phần bắt nguồn từ đảng Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội đã làm tốt thông tin tuyên truyền, tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Đại biểu nhận định, thông tin có vai trò to lớn trong định hướng tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai, về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm trong khắc phục thiên tai bão lũ, về thành quả phát triển đất nước, lịch sử, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế chính quyền.
Hà Nội: Xử phạt 10 triệu đồng người đăng tin sai sự thật về COVID-19
Nhận thức rõ vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi đó, tuy nhiên vấn nạn vẫn chưa được loại trừ, như đang thách thức nỗ lực của cơ quan chức năng. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để sử dụng công cụ này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng và loại trừ các hành vi trên.
Tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong các quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải thực hiện các quyền đó trong một khuôn khổ pháp lý nhất định. Theo kinh nghiệm thực tiễn của nhiều nước trên thế giới, họ đã tạo ra các khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng, đồng thời ngăn chặn, loại trừ sự lợi dụng quyền này để xuyên tạc, đưa, phát tán thông tin sai lệch, bịa đặt làm phương hại đến chính thể, quyền, lợi ích chính đáng của người khác.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, Tuyên ngôn Nhân quyền, dân quyền của Liên Hợp Quốc cũng có quy định quyền tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do. Tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền sau này theo quy định của pháp luật.
Linh Chi (t/h)