Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình gửi Quốc hội với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ trong thời gian qua và đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai về ngân sách nhà nước.
Mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm.
Số thu quý 1/2023 ước đạt 411.800 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022. Nhưng số thu ngân sách nhà nước tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1.
Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong quý 1 bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2022.
Dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới phục hồi và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực.
Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Tờ trình cũng nêu rõ với kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã thực hiện trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các nước thường áp dụng các gói gồm nhiều biện pháp chính sách mà trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, vốn trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất thông qua chính sách tiền tệ như hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động cho vay, giãn nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó là các giải pháp kết hợp để giảm gánh nặng thanh toán gồm cắt giảm chi phí kinh doanh (giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuê đất, phí dịch vụ), gia hạn thời hạn nộp thuế; tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, hỗ trợ tiền mặt cho người dân; đẩy mạnh đầu tư công vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng, công nghệ...
Thời gian qua Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế, đối với các sắc thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thục đặc biệt và tiền thuê đất), giảm thuế, và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí và có kết quả tích cực.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, Chính phủ cho biết, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết đến ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Tờ trình cũng nêu rõ, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Với với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các nội dung chính sách qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.
Về thời gian áp dụng, kể từ khi chính sách này được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.