Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi giảm mạnh trong quý II/2023, mục tiêu lợi nhuận năm còn xa vời
Theo đó, trong quý II, doanh thu thuần của TCM đạt khoảng 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ (svck). Lợi nhuận ròng theo đó chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm mạnh xấp xỉ 25 lần, đánh dấu mức lãi hàng quý thấp nhất của công ty kể từ quý IV/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.590 tỷ đồng, giảm khoảng 27% svck. Trong đó, xuất khẩu chiếm 87% doanh thu với gần 1.388 tỷ đồng. Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á (chiếm 65,1%), tiếp đến thị trường châu Mỹ (29,2%), thị trường châu Âu (4,8%). Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 55% so cùng kỳ, đạt hơn 57 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Theo TCM, do suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU, khiến tình hình xuất khẩu của công ty sang các khu vực này giảm sút svck. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường sang châu Á và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi nhằm giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, phần nào duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công ty vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý III và theo dự báo, kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm nay. Tính đến hiện tại, doanh nghiệp đã nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/6, tổng tài sản TCM đạt gần 3.349 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Lượng tiền mặt giảm mạnh từ 180 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng. Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng lên gần 308 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt 1.225 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm và dự phòng 35,5 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn giảm nhẹ 2% xuống 1.279 tỷ đồng, chiếm 90% tổng nợ phải trả. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 806 tỷ đồng.
Theo số liệu được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) công bố ngày 19/7 vừa qua, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 21%.
Phân tích sự sụt giảm sâu này, VITAS cho biết không chỉ bởi tác động của nền kinh tế, mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1/1/2023).
Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ…
VITAS dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.