Dưới 'sức nén' của lãi suất cao và lạm phát, ngành dệt may tìm cửa sáng từ các FTA?

Diên Vỹ 17:00 | 13/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo ngành cập nhật ngày 10/2, bộ phận phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng lãi suất cao và lạm phát tạo áp lực lên nhu cầu tiêu thụ có thể là hai yếu tố tác động tiêu cực đến triển vọng ngành dệt may Việt Nam năm nay.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tiếp tục đối diện nhiều sức ép

Nhìn lại năm 2022, MAS nhận định ngành dệt may đã trải qua một năm tăng trưởng tốt trong bối cảnh các thị trường chính dần bình thường hóa sau đại dịch. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 ước đạt 37,6 tỷ USD (+14,5% so với 2021). Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng khả quan: Mỹ (+8,1%), EU (+31,2%), Nhật Bản (+25%), Hàn Quốc (+13,7%).

Thị phần hàng thời trang Việt Nam tại các thị trường chính cũng mở rộng tích cực. Cụ thể, thị phần hàng thời trang VN tại thị trường Mỹ và Nhật Bản lần lượt tăng lên mức 18,3% và 15,6% (từ 17,6% và 14,1% năm 2021). Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc, thị phần hàng Việt Nam giảm nhẹ từ 31,8% năm 2021 về mức 31,1%. 

 Nguồn: MAS

Bức tranh sáng sủa, đặc biệt trong 3 quý đầu năm 2022, cũng thể hiện phần nào qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng như hệ số sử dụng lao động cũng thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021. 

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm dần về cuối năm đã gây ra tình trạng thiếu đơn hàng và suy giảm sản xuất trong các tháng cuối năm; hầu hết các doanh nghiệp may mặc niêm yết đều thể hiện doanh thu tăng trưởng tốt trong cả năm 2022. Cụ thể, hàng loạt doanh nghiệp báo tăng trưởng doanh thu hai chữ số như TNG (+24,4%), May Sông Hồng - MSH (+16,3%), Tập đoàn Dệt may Việt Nam - VGT (+14,7%), May Thành Công - TCM (+22,7%), Dệt may Hòa Thọ - HTG (+33,1%), Everpia - EVE (+17,9%). Trong đó, một số doanh nghiệp báo lãi ròng tăng mạnh như TCM (+95,7%), HTG (33,1%), EVE (54,4%).

Riêng đối với ngành sợi, năm 2022 được xem là năm khó khăn do xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc suy giảm vì việc kéo dài chính sách Zero COVID. Theo đó, giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4,7 tỷ USD (-16,4% so với 2021). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm tới hơn 24% xuống còn 2,2 tỷ USD. 

Sự suy yếu nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn tác động tới mảng dệt, làm chỉ số tiêu thụ mảng dệt năm 2022 giảm 7,7% trong khi tồn kho sản phẩm dệt tăng 29,3%. 

Nhìn chung, về cuối năm 2022, nhu cầu về hàng dệt may trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế khó khăn trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục ở mức cao và các NHTW duy trì tăng lãi suất. Bên cạnh đó, giá cotton cuối tháng 1/2023 đã về quanh mức trung bình giai đoạn 2012-2019, khoảng 80 USD/lb cho thấy tín hiệu về nhu cầu sụt giảm của chuỗi cung ứng ngành.

Bước sang tháng 1/2023, tình hình chưa có sự cải thiện rõ nét khi nhu cầu yếu đi do lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu hàng dệt may. Kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và so sánh với mức nền cao của tháng 1/2022, xuất khẩu sợi và hàng dệt may tháng 1/2023 đã ghi nhận tháng sụt giảm mạnh, lần lượt -47,8% và -30,7% so với cùng kỳ với giá trị ước đạt 247 triệu USD và 2,5 tỷ USD. Đối với mảng sợi, đây là giá trị xuất khẩu thấp nhất trong cùng kỳ từ năm 2018. 

Hoạt động sản xuất cho tín hiệu suy giảm mạnh khi IIP mảng may mặc giảm -21% trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất từ khi COVID bùng phát năm 2020. Đây là tháng thứ 5 sụt giảm liên tiếp của chỉ số này, phần nào cho thấy nhu cầu đang ở mức thấp. 

 Nguồn: MAS

Hàng loạt dự báo từ các tổ chức kinh tế thế giới cũng cho thấy tăng trưởng GDP của các thị trường tiêu thụ chính hàng dệt may Việt Nam năm 2023 ở mức thấp. Chẳng hạn, World Bank dự phóng tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 0,5%, EU 0%, Nhật Bản 1%. Cùng đó, xu hướng tăng lãi suất của các NHTW lớn trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao đang tiếp tục gây ra lo ngại về kịch bản suy thoái.

Viễn cảnh kinh tế nhiều áp lực như vậy có khả năng tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng chung cũng như nhu cầu về hàng dệt may. Theo đó, nhóm phân tích từ MAS nhận định có rủi ro đối tác tăng lên trong ngắn hạn. Cụ thể, bên cạnh khả năng nhu cầu suy giảm, nền kinh tế khó khăn cũng làm gia tăng rủi ro liên quan đến đối tác thương mại ở các thị trường xuất khẩu.

 Niềm tin tiêu dùng xuống mức thấp tại một số thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may (Nguồn: MAS)

“Cứu cánh” từ các FTA

Mặc dù triển vọng kinh tế chung nhiều khả năng gặp khó, MAS cho rằng ngành dệt may trong năm 2023 vẫn có sự hỗ trợ tích cực ở một số khía cạnh. 

Cụ thể, bán lẻ hàng thời trang ở các thị trường chính vẫn tăng trưởng dương cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thời trang vẫn được duy trì mặc dù triển vọng kinh tế kém khả quan. 

Cùng đó, chuỗi giá trị ngành dệt may thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế thấp khiến chi phí đầu vào của ngành dệt may như giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải biển giảm mạnh. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát tăng cao và giá bán đầu ra gặp áp lực vì lực cầu giảm. Việc các thị trường toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch cũng giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng sẽ hỗ trợ hoạt động XNK ngành dệt may, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động về mua nguyên vật liệu và tính toán thời gian giao hàng, giảm thiểu các chi phí vận chuyển. 

 Nguồn: MAS

Ngoài ra, MAS cho rằng tỷ giá USD/VND dần ổn định sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tác động tiêu cực trong hoạt động XNK. 

Một điểm tích cực khác, năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA, trong đó các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0%. Điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường này, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. 

Bên cạnh EU, các thị trường thuộc khuôn khổ CPTPP như Canada, Mexico cũng đã ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, cho thấy khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định. 

Trước đó, trong năm 2022, các thị trường được hỗ trợ bởi hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA và CPTPP là EU và Canada đều ghi nhận mức tăng ấn tượng của giá trị xuất khẩu, lần lượt là 31,2% và 44% so với năm 2021; trong khi thị trường Nhật Bản cũng tăng mạnh 25% sau nhiều năm đi ngang hoặc giảm. 

Với những thuận lợi đi kèm khó khăn kể trên, nhóm phân tích từ MAS dự phóng tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam trong năm 2023 có thể dao động trong phạm vi -4% đến +2% trong khi xuất khẩu sợi nhiều khả năng sẽ đi ngang so với năm 2022.