ĐHĐCĐ PAN: Dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%
Tính đến 14h ngày 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PAN có sự tham dự của 174 cổ đông, đại diện cho 55,85% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Mục tiêu lãi ròng 882 tỷ đồng, quý I đã hoàn thành 19%
ĐHĐCĐ 2024 của PAN thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 14.780 tỷ đồng, lãi sau thuế 882 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 8% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 447 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.
Trong đó, mảng nông nghiệp kỳ vọng tăng trưởng 16% với động lực chủ yếu từ các sản phẩm gạo thương hiệu và nông dược. Mảng thực phẩm kỳ vọng tăng trưởng 17% với sự hồi phục của thị trường cũng như tín hiệu tích cực từ các sản phẩm mới, ở thị trường xuất khẩu. Mảng thủy sản đặt kế hoạch tăng nhẹ 5% so với năm ngoái do thị trường vẫn chưa thật sự tích cực, giá bán vẫn ở mức thấp.
Kế hoạch này được đề ra trong bối cảnh năm 2024 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, nền kinh tế toàn cầu chưa có nhiều tín hiệu phục hồi rõ ràng và những biến số bất định về chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát cũng như bất ổn địa chính trị trên toàn cầu.
Ban lãnh đạo PAN cũng kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong trong nửa cuối năm 2024, và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của Tập đoàn.
Theo kết quả kinh doanh quý I/2024 được ban lãnh đạo công bố tại ĐHĐCĐ, PAN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trong quý đạt 3.462 tỷ đồng và lãi trước thuế 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 58% so với cùng kỳ năm trước. LNST cổ đông công ty mẹ tăng 109% lên gần 84 tỷ đồng. Như vậy, sau quý 1, Tập đoàn thực hiện được 23% chỉ tiêu doanh thu và gần 19% mục tiêu lợi nhuận ròng của năm.
Kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% nhờ lợi nhuận 2023 khả quan
Trước đó, năm 2023, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 13.205 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022 và hoàn thành 90% kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm của lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói, do diễn biến xấu của thị trường chung trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, mức giảm này được bù đắp bởi tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp với động lực tăng trưởng chính đến từ mảng kinh doanh nông dược và mảng gạo đóng gói, trong bối cảnh giá lúa tăng cao.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 408 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với 2022, mặc dù trong lợi nhuận 2022 có ghi nhận lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng nhà máy. Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận bất thường này khi so sánh thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2023 đạt tăng trưởng tới 23% so với cùng kỳ.
Một điểm sáng là Tập đoàn PAN đã thanh toán đúng hạn khoảng gần 1.000 tỷ trái phiếu đến hạn không cần sử dụng nguồn nợ vay bên ngoài.
Với tình hình lợi nhuận khả quan của 2023, tại ĐHĐCĐ lần này, Tập đoàn PAN đã trình cổ đông phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (sở hữu 01 cp nhận được 500 đồng), tương ứng dự chi hơn 104 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, PAN cũng đề xuất chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%.
Thảo luận:
- Ban lãnh đạo hãy chia sẻ về cơ hội cụ thể đối với doanh nghiệp trong hoàn ảnh này?
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed): Chúng tôi là lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ luôn tìm kiếm cơ hội, và luôn nhìn thấy cơ hội nhiều hơn nguy cơ. Trong những khó khăn, đặc biệt sau COVID-19 phải có giải pháp để thích ứng được những thay đổi tiêu dùng của người tiêu dùng, ví dụ giải pháp về truyền thông, tổ chức các kênh phân phối bán hàng, xu hướng tiêu dùng mới... Dù tôi lớn tuổi nhưng vẫn nhìn ra được rất nhiều cơ hội trên thị trường, vấn đề là mình chọn cơ hội nào cho phù hợp.
Riêng trong ngành giống cây trồng, chúng tôi đang kinh doanh chuỗi giá trị, bắt đầu từ năm 2024 sẽ kinh doanh bộ giải pháp phát triển lương thực bền vững, và giống chỉ là một trong những bộ giải pháp đấy. Chúng tôi xây dựng chuỗi giá trị đầu - cuối, làm tốt các khâu trung gian để tối ưu hóa lợi nhuận.
Cơ hội lớn với Vianseed thứ nhất là quá trình thay đổi luật đất đai, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng do biến đổi khí hậu. Đấy là cơ hội cho Vinaseed thay đổi bởi chúng ta có công tác chuẩn bị tốt về bộ giống, phối hợp với các đơn vị để mở rộng lĩnh vực kinh doanh... Bắt đầu từ năm 2025, các bước chuẩn bị sẽ được hiện thực hóa để thực hiện chương trình nâng cấp Vinaseed.
Cơ hội thứ hai là chúng ta đang đi trước, dẫn dắt xu thế tiêu dùng sản phẩm sạch, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cơ hội thứ ba là các chính sách vĩ mô đang rất ưu ái cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL với nguồn vốn của WordBank 400 triệu đô, cộng với Chính phủ vào tổng khoảng 600 triệu USD để rót cho doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng đó. Riêng Vinaseed đang rất được ưu đãi với lãi suất hiện chỉ 4%, không bị hạn chế khi xếp hạng tín dụng, mình có thị trường và minh bạch trong hoạt động đầu tư. Các điều kiện và chính sách vĩ mô hỗ trợ rất nhiều.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta: Cơ hội do mình chủ động trên cơ sở nền tảng nội tại, chúng ta sẽ cố gắng tìm ra hướng đi để áp dụng thế mạnh của mình. Sao Ta nhìn thấy con đường để nhận ra cơ hội tương lai là nỗ lực, tham gia tích cực nhất, kiên trì phát triển cho doanh nghiệp của mình. Sao Ta cũng nhìn được những phương hướng sắp tới, thể hiện ở chiến lược 5 năm.
- Ban lãnh đạo cho biết rủi ro từ thị trường Mỹ ra sao khi kinh tế đi xuống?
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Sao Ta: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với Việt Namvà với mảng tôm cũng vậy. Tuy nhiên riêng với PAN thì Mỹ chỉ đứng thứ hai, lớn nhất vẫn là Nhật Bản tiêu thụ trên 45%, còn Mỹ chỉ chiếm 30%.
Kinh tế Mỹ đi xuống ảnh hưởng đến cầu, bên cạnh đó ngành tôm Việt Nam còn đang chịu khó khăn trước vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong đó, vụ kiện chống bán phá giá hiện thuế là 0% còn chống trợ cấp là 2,84%. Mức thuế cuối cùng có thể công bố vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.
Với những công ty muốn xuất khẩu sang Mỹ cần có hạch toán chi phí dự phòng khoảng 7-8%. Nếu thời điểm tháng 8, tháng 9 ngành tôm Việt Nam không bị áp thuế, khoản đó sẽ đưa vào lợi nhuận. Đây không phải là vấn đề quá lớn để lo lắng vì chúng tôi tập trung ở Nhật Bản. Ở Mỹ, Sao Ta sẽ tập trung vào sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi hai vụ kiện này. Do đó, đây không phải là vấn đề lớn đối với chúng tôi. Trong thời gian chờ thuế cuối cùng, các doanh nghiệp khác có thể hạn chế xuất khẩu sang đây vì ngại rủi ro.
Ông Trương Phú Chiến - Chủ tịch HĐQT Bibica: Thị trường Mỹ không phải trọng điểm xuất khẩu mặt hàng bánh kẹo, Bibica đang tập trung vào thị trường trọng điểm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, doanh số Bibica giảm 8% so với cùng kỳ, tuy nhiên xuất khẩu là điểm sáng tăng 40%, tạo ra nhiều dư địa trong thời gian tới. Thông thường nhà đầu tư nhìn vào mảng bánh kéo thấy không còn hấp dẫn, thay vào đó là đầu tư nhiều vào các mảng như chip bán dẫn, công nghệ... nhưng thực ra thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo.
Điều kiện thuận lợi lớn nhất của chúng ta là có thị trường nội địa 100 triệu dân. Bên cạnh đó, Bibica có quy mô đủ lớn để vượt qua hàng rào chất lượng và có lợi thế cạnh tranh. Do đó dư địa xuất khẩu trong tương lai còn rất nhiều.
Với tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, Bibica sẽ phát triển các sản phẩm bánh tươi, date ngắn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm bánh dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tốt cả cả những người tiểu đường. Biến bánh kẹo không còn là sản phẩm để ăn chơi...
- Xin ban lãnh đạo chia sẻ chiến lược M&A trong năm nay hay trong vòng 3 năm tới?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN: Hướng đi của PAN Group là cần tìm doanh nghiệp thích ứng được, nhưng hiện nay Tập đoàn chưa nhìn thấy doanh nghiệp phù hợp. Mục tiêu cuối cùng vẫn là tăng hiệu quả, hoà nhập với thương hiệu, làm cho tài chính và hoạt động của PAN trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu có kế hoạch M&A, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông.
- Lãi vay ngắn hạn của PAN hiện khá lớn, trong bối cảnh hiện tại, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi, Tập đoàn có dự phóng gì về cấu thành chi phí lãi vay?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN: Mọi người muốn đánh giá rủi ro trong tín dụng thì hãy nhìn vào kết quả kinh doanh. Với một Tập đoàn có điểm tín nhiệm cao như PAN, đảm bảo được dòng tiền và lợi nhuận thì đây mới là tiêu chí đo lường sức khoẻ của doanh nghiệp. Mọi người vẫn lo ngại về lãi suất nhưng nếu doanh nghiệp này không thể "sống", không thể vay thì còn doanh nghiệp nào vay được nữa. Chúng ta phải nhìn vào đầu ra của khoản vay, làm được gì, hiệu quả ra sao, có thu hồi vốn được không...
- Tập đoàn định hướng tập trung mảng nào là chính?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN: Chúng tôi không bỏ mảng nào vì đều là các mục tiêu quan trọng ngay từ khi thành lập. PAN sẽ tập trung cả 3 mảng nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói, mong muốn biến nông nghiệp trở thành mũi nhọn của Tập đoàn, vươn tầm thế giới.
Chúng tôi sẽ làm tất cả các mảng kinh doanh bên dưới và không giẫm chân nhau. Mặc dù quản lý nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng kết quả kinh doanh và dòng tiền đều rất tốt, thậm chí những nợ trái phiếu đều trả đúng hạn và không phải tái cơ cấu. Năm nay cũng đã bắt đầu trả cổ tức 5% và sẽ cố gắng duy trì trong những năm tiếp theo.
- Ban lãnh đạo cho biết định hướng của PAN như thế nào trước những ảnh hưởng từ việc ĐBSCL hạn hạn, xâm nhập mặn, Campuchia xây kênh đào...?
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất đặc biệt vùng ĐBSCL. Việc biến đổi khí hậu không thể chống lại được nhưng chúng tôi cần phải có giải pháp xa hơn để sống thuận thiên. Kể cả Campuchia có đào kênh đào cũng không thể chống lại được. Việc đầu tiên phải có giải pháp để thích ứng.
Về lúa gạo, tác động lớn nhất trước mắt năng suất, giá gạo. Chúng tôi sẽ chủ động trong chiến lược xây dựng chiến lược và nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu. Chúng tôi có giống lúa chống chịu mặn tới 3-4 lần và có bộ giống thích ứng với ngập lụt, chịu hạn. Bối cảnh khó khăn cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có sự chuẩn bị và có khả năng R&D các sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập đoàn PAN luôn có cái nhìn sát sao trong nghiên cứu để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về giá lương thực, trên thực tế Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn trong số 24 triệu tấn, như vậy 60% phục vụ nội địa, trong khi xuất khẩu chỉ 30%. Giá thị trường nội tiêu thậm chí cao hơn thế giới. Giá trong nước 35.000 đồng/kg nhưng xuất khẩu có 27.000 đồng/kg. Chúng tôi có chiến lược khác là xây dựng thương hiệu, tập trung vào phân khúc cao cấp. Do đó, giá lương thực cao thì biên lợi nhuận ảnh hưởng, giá cả tùy thuộc vào cung cầu.
Về vấn đề xây dựng kênh đào của Campuchia là chuyện của tương lai rất là dài.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Sao Ta: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lúa, cây ăn trái chịu tác động rất lớn, trong đó giải pháp là thay đổi chế độ canh tác. Về tác động xâm nhập mặn, ao nuôi cá tra có xu hướng chuyển dịch thượng nguồn, còn riêng mảng tôm là trong nguy có cơ, xâm nhập mặn không trồng được cái gì thì ta nuôi tôm. Do đó, nước mặn cũng là một tài nguyên và tôm là sản phẩm nuôi phổ biến khi đó diện tích nuôi sẽ càng mở rộng hơn.
Từ cuối năm 2023, El Nino khiến thời tiết nóng hơn nhưng là cơ hội cho Sao Ta lần đầu tiên nuôi tôm mùa nghịch, với quy mô lớn 500 ha, mặc dù kết quả không như ý nhưng vẫn có một mức độ khả quan, đáp ứng được kỳ vọng của Công ty. Do đó, tùy ngành nghề, lĩnh vực và góc nhìn của mình, nếu nhìn vào mặt tích cực thì trong nguy có cơ hội.
Ông Trương Công Cứ, Tổng Giám đốc CTCP Khử trùng Việt Nam: Chúng tôi quen sống trong điều kiện khó khăn, khó khăn cũng là lẽ sống. Thực tế, bao giờ cũng khó, nông nghiệp luôn bấp bênh, khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Tuy nhiên, những năm gần đây nông nghiệp xứng đáng trụ cốt trong nền kinh tế Việt Nam, và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ tận dụng tốt nền tảng có sẵn, càng khó thì mình phải càng tận dụng cơ hội.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN: Tập đoàn luôn chỉ định những bước đi rõ ràng, luôn sống trong khó khăn, luôn tìm được con đường đi và tận dụng cơ hội trong gian khó.
Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.