PAN: Loạt tín hiệu tích cực, lãi ròng quý III/2023 tăng trưởng 36%
Mảng nông nghiệp và thực phẩm đã trở thành điểm sáng trong quý III
Theo BCTC, doanh thu thuần của PAN trong quý III đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính của Công ty ghi nhận gần 178 tỷ đồng, gấp gần 3 lần, chủ yếu nhờ các khoản lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay.
Doanh nghiệp đánh giá quý III tiếp tục là giai đoạn khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chính của mảng thủy sản, dẫn đến sự suy giảm lớn nhất về doanh thu đến từ mảng này trong tổng doanh thu. Lạm phát tại các thị trường như Mỹ, EU tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, quy mô tiêu dùng giảm, giá xuất khẩu cũng giảm theo.
Ngoài ra, nền so sánh năm 2022 cũng là mức cao kỷ lục của mảng thủy sản từ trước đến nay. Tuy vậy, thủy sản bắt đầu chứng kiến những tín hiệu tích cực trong quý III, phản ánh sự phục hồi tốt sau quãng thời gian khó khăn từ đầu năm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn của thị trường chung với nhiều tác động tiêu cực từ đầu năm, nông nghiệp và thực phẩm đã trở thành điểm sáng của Công ty trong quý, theo đó động lực tăng trưởng đến từ việc giá gạo neo cao kéo theo nhu cầu tăng mạnh của thị trường vật tư nông nghiệp đầu vào.
Sau thuế, đơn vị này lãi ròng gần 193 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, PAN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 9.008 tỷ đồng, giảm 8% so với 9 tháng 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 9 tháng cũng giảm 15%, xuống còn hơn 456 tỷ đồng.
Năm 2023, PAN lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% - 9% so với năm 2022, tương đương 15.156 tỷ đồng và 991 tỷ đồng. Hết 9 tháng, đơn vị này đã thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp giảm 7% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính đến từ việc các chi phí đầu vào tăng, trong đó có chi phí vốn chịu ảnh hưởng từ nền lãi suất cao. Ngoài ra, vật tư đầu vào chủ yếu là giá lúa tươi tăng mạnh, trong khi doanh thu đầu ra (chủ yếu là giống lúa) chưa tăng theo kịp trong khoảng thời gian này dẫn tới biên lợi nhuận giảm.
Tại mảng thủy sản, mặc dù doanh thu giảm 14,8%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm khoảng 9% nhờ hiệu quả của các vùng nuôi tự chủ. Các chi phí vận chuyển cũng giảm mạnh so với mức cao cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số tích cực so với mức suy giảm trung bình toàn ngành.
Đối với mảng thực phẩm, biên lợi nhuận sau thuế giảm trong bối cảnh các vật tư đầu vào như đường, trứng đều tăng cao. Do ảnh hưởng chung của thị trường, đa phần các sản phẩm đều giảm giá bán để ưu tiên các mục tiêu dòng tiền của công ty, song song với mục tiêu lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của PAN tại thời điểm 30/09/2023 vượt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Giá trị đầu tư chứng khoán gần 6.700 tỷ, gấp 3 lần cuối năm trước. Tiền, tương đương tiền cùng tiền gửi ngân hàng giảm 56%, xuống gần 1.200 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho tăng 23% lên hơn 3.700 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm hàng hoá.
Đến hết quý III, doanh nghiệp ghi nhận tổng nợ hơn 11.300 tỷ đồng. Nợ vay chiếm 77% với hơn 8.700 tỷ, tăng hơn 70% so với đầu năm. Khoản nợ này chủ yếu là nợ ngắn hạn. Bên cạnh đó, PAN còn phát sinh thêm khoản vay trái phiếu 200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cuối năm sẽ là cao điểm kinh doanh của PAN
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, PAN đánh giá các mảng kinh doanh chính, nhất là thủy sản chưa ghi nhận sự phục hồi như kỳ vọng, kéo theo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chưa cao sau 3 quý đầu năm. Ngoài ra, thị trường nội địa cũng găp nhiều biến động khó lường về giá cả các chi phí sản xuất, sức cầu nội địa và lạm phát.
Như vậy, Công ty cho rằng việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023 còn nhiều thách thức trong bối cảnh tốc độ hồi phục mảng thủy sản chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm sẽ là mùa vụ kinh doanh cao điểm của tất cả các mảng kinh doanh của PAN.
Đối với mảng nông nghiệp, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước trong thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bùng nổ trong thời gian vừa qua và đã đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm. Nhu cầu thị trường về giống lúa và vật tư nông nghiệp vẫn sẽ ở mức cao trong mùa cao điểm 3 tháng sắp tới.
PAN cho biết đã thu mua và sản xuất được lượng hàng tồn kho đạt kế hoạch. 6 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất được hơn 65.000 tấn giống và gạo, tăng 15% so với cùng kỳ, qua đó đảm bảo tốt cho mùa vụ kinh doanh sắp tới.
Đối với mảng thủy sản, các vùng nuôi mới tự chủ đã sẵn sàng đưa vào thả nuôi. Trong đó tại mảng tôm, vùng nuôi mới hơn 203 ha đã sẵn sàng và thả nuôi vụ đầu tiên chính thức vào tháng 5, đưa tổng diện tích vùng nuôi tự chủ của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) lên khoảng 530 ha, tự chủ tới 40% đầu vào, PAN dự kiến sẽ thả nuôi 100% vùng nuôi mới vào cuối năm 2023. Các nhà máy mới cũng đạt công suất khoảng 60-70%. Tại mảng cá tra, hai vùng nuôi mới 22 ha tại Đồng Phú đã đưa vào thả nuôi trong năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đã có dấu hiệu tích cực, các đơn hàng trở lại trong quý III.
Với mảng thực phẩm, 3 tháng cuối năm là mùa vụ cao điểm của mảng thực phẩm để phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên đán. PAN cho biết đã ký trước các hợp đồng nguyên vật liệu đầu vào với giá phù hợp. Ngoài ra, Công ty cũng phát triển các sản phẩm thương hiệu mới để phù hợp hơn với người tiêu dùng.