Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn ăn nên làm ra, vì sao Tập đoàn PAN báo lãi ròng quý I giảm mạnh?

Lạc Lạc 12:07 | 07/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và Việt Nam đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh trong quý I/2023 của CTCP Tập đoàn PAN (mã: PAN). Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo tài chính quý I của PAN cũng cho thấy một số điểm sáng, đặc biệt là tăng trưởng lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi.

Theo đó, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.531 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, sự suy giảm về doanh thu đến từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại một số mặt hàng ở các thị trường chủ lực của Tập đoàn như cá tra, tôm, hạt điều.

Mặc dù doanh thu giảm, nhưng Tập đoàn vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân chủ yếu do việc đẩy mạnh khai thác vùng nuôi thủy sản mới để giảm giá vốn cũng như việc cải tiến, tối ưu hóa nhà xưởng, dây chuyền đã góp phần tăng hiệu quả kinh doanh tại các công ty thành viên.

Cụ thể, mảng nông nghiệp, các mảng giống cây trồng và nông dược, khử trùng duy trì được kết quả tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt mang về 1.100 tỷ đồng doanh thu và 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.  

Lĩnh vực thủy sản, mảng chế biến xuất khẩu tôm giúp doanh nghiệp thu về 1.010 tỷ đồng, giảm 24% do nhu cầu suy giảm từ các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của mảng này lại đạt 48,6 tỷ đồng, tăng gần 15%. 

Tại mảng cá tra xuất khẩu, doanh thu đạt 124 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 21%. Theo lý giải của PAN, lý do đến từ lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn khi thị trường xuất khẩu cá tra trọng tâm là Nhật Bản, các sản phẩm chủ yếu là chế biến sâu với giá trị gia tăng cao nên ít bị ảnh hưởng. 

Tại ĐHĐCĐ diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN cho biết mảng thuỷ sản đóng góp trên 50% doanh thu và 40% lợi nhuận cho PAN. Trong năm nay, Tập đoàn cũng xác định mảng xuất khẩu thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU giảm đơn hàng do lạm phát và mức tồn kho cao từ trong dịch.

Thuỷ sản có 2 mảng là tôm và cá tra. Lợi nhuận mảng tôm dự tăng 20%, nhưng cá tra thì khó hơn và lợi nhuận dự giảm 10%.

Trong lĩnh vực thực phẩm đóng gói tiêu dùng, mảng bánh kẹo có doanh thu đạt 242 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết nguyên đán sụt giảm tương đối mạnh. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 3 tỷ đồng. 

Mảng hạt, snack xuất khẩu cũng đạt kết quả kinh doanh tương đương cùng kỳ với doanh thu đạt 75 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng. 

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 126 tỷ đồng, tăng 50% so với quý I/2022. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính trong quý của Tập đoàn PAN tăng 55%, lên 120 tỷ đồng. 

Trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 106 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do trong cùng kỳ quý I/2022, PAN ghi nhận khoản lợi nhuận đến từ giao dịch chuyển nhượng tại nhà máy gần 74 tỷ. Nếu so sánh riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận sau thuế của PAN vẫn ghi nhận tăng trưởng 13%. 

 

Năm 2023, công ty đề ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 15.156 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 840 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 7% so với kết quả năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023 Tập đoàn PAN đã hoàn thành lần lượt 17,3% chỉ tiêu doanh thu và 12,6% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/3/2023, PAN có dư nợ 8.122 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay với hơn 5.837 tỷ đồng. Khoản này đã “ngốn” của doanh nghiệp hơn 120 tỷ tiền lãi trong quý I.