Có nghìn tỷ lợi nhuận chưa phân phối, vì sao PAN vẫn chưa chia cổ tức?
"Nóng" vấn đề chia cổ tức
Theo tờ trình, trong năm 2022, PAN ghi nhận doanh thu 13.655 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu (14.300 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 794 tỷ đồng, tăng 55%, vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại 1.186 tỷ đồng. Trong đó, HĐQT đề xuất trích các quỹ phát triển, phúc lợi cho người lao động và thù lao cho HĐQT năm ngoái tổng cộng 5 tỷ đồng, không có kế hoạch chia cổ tức.
Trong phiên họp, một cổ đông của PAN đã đánh giá cao nỗ lực của ban điều hành để lợi nhuận năm ngoái tăng gấp rưỡi, lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, vị cổ đông này thắc mắc vì sao cổ đông - những người chủ sở hữu công ty - không được hưởng lợi từ kết quả này.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN đánh giá năm vừa qua tất cả công ty thành viên đều tăng trưởng tốt, cái chưa tốt của doanh nghiệp là kiểm soát dòng tiền, dòng tiền hiện tại không cho phép để trả cổ tức. Giai đoạn này, công ty cần đầu tư cho những cơ hội tạo ra nguồn thu mới và kinh doanh theo hướng an toàn nhằm hạn chế rủi ro trong trường hợp xấu nhất là khủng hoảng kinh tế xảy ra. Ngoài ra, công ty cũng cần thêm thời gian để có nguồn tiền cổ tức từ các đơn vị thành viên và giảm bớt áp lực nợ phải trả.
Trong năm 2023, nếu kinh doanh đạt kế hoạch, PAN sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt cho cổ đông.
Thận trọng với mảng thủy sản trong năm 2023
Tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho biết, bên cạnh áp lực lãi vay, việc biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu như Việt Nam.
Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty thành viên cũng như hợp nhất của PAN đã được xây dựng với kịch bản thận trọng. Cụ thể, doanh thu hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% - 9% so với năm 2022, tương đương 15.156 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận đạt 991 tỷ đồng, tăng 11%.
So sánh riêng với lợi nhuận cốt lõi năm 2022, thì mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2023 đạt 27%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đặt mục tiêu đạt 840 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2022.
Với kế hoạch kinh doanh cụ thể, đa phần các mảng đều đặt kế hoạch tăng trưởng như: giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng; mảng bánh kẹo,... Riêng kinh doanh thuỷ sản, PAN tỏ ra khá thận trọng khi đặt kế hoạch "đi lùi". Đại diện doanh nghiệp cho biết, mảng thuỷ sản sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU giảm đơn hàng do lạm phát và mức tồn kho cao từ trong dịch.
Theo Tờ trình, thực tế đã ghi nhận dấu hiệu của việc lạm phát đã đạt đỉnh, sức mua có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023, nhưng kế hoạch kinh doanh mảng thủy sản vẫn cần thận trọng trước các diễn biến mới về tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới. Trong đó, mảng sản phẩm tôm có kế hoạch doanh thu gần như tương đương với năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến có tăng trưởng tốt 20%, được tạo bởi biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi trong năm 2023.
Mảng cá tra xác định chịu ảnh hưởng khá mạnh trước bối cảnh thị trường xuất khẩu cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá). Dự kiến doanh thu giảm nhẹ 3 - 5% và lợi nhuận trước thuế suy giảm 15% - 20% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, mảng thuỷ sản đóng góp trên 50% doanh thu và 40% lợi nhuận cho PAN Group. Thuỷ sản có 2 mảng là tôm và cá tra. Lợi nhuận mảng tôm dự tăng 20%, nhưng cá tra thì khó hơn và lợi nhuận dự giảm 10%.