SSI Research: Lãi ròng nửa cuối năm của PAN có thể tăng hơn gấp đôi nửa đầu năm

Lạc Lạc 11:14 | 08/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở hữu nhiều công ty con và đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, Tập đoàn PAN ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong nửa đầu năm dưới những tác động tiêu cực từ thị trường. Hai mảng chính như nông nghiệp và thuỷ sản với nhiều tiềm năng về cuối năm được dự báo sẽ là "bệ phóng" cho sự hồi phục.

Kinh doanh bán niên 2023 sụt giảm với tất cả các mảng

Theo báo cáo tài chính soát xét, lũy kế nửa đầu năm 2023, tập đoàn PAN (mã: PAN) ghi nhận doanh thu và NPATMI lần lượt là 5.300 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và 102 tỷ đồng, giảm 44%. NPATMI giảm do lợi nhuận đột biến từ bán tài sản trong quý I/2022 từ công ty con Bibica Corp (BBC). Nếu loại trừ khoản này thì NPATMI chỉ giảm 21% so với nửa đầu năm 2021.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Xét theo cơ cấu doanh thu theo mảng kinh doanh thì nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng gói đóng góp lần lượt là 42%, 43% và 15%. Nuôi trồng thủy sản mặc dù vẫn đóng góp tỷ trọng nhiều nhất vào doanh thu của công ty, nhưng lại ghi nhận doanh thu giảm mạnh nhất so với cùng kỳ do suy thoái kinh tế và mức nền doanh thu cao trong nửa đầu năm 2022. Sao Ta (mã: FMC) và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã: NSC) là hai mảng đóng góp lớn nhất trong kết quả kinh doanh quý II của PAN.

 

Mảng nông nghiệp dưới áp lực chi phí nguyên vật liệu, nhưng vẫn có những điểm sáng

Tại NSC, lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần và NPATMI lần lượt đạt 823 tỷ đồng và 90 tỷ đồng, giảm 6% và 25% so với cùng kỳ do mảng giống bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm và chi phí nguyên vật liệu cao hơn. 

Theo phân tích đầu tháng 9 mới đây của SSI Research, doanh thu và lợi nhuận gộp của gạo đóng gói thương hiệu riêng của NSC tăng lần lượt 15% và 50% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ giá bán bình quân cao hơn và hàng tồn kho chi phí thấp (hàng tồn kho từ niên vụ năm trước). Tuy nhiên, doanh thu từ gạo đóng gói hiện chiếm 25% doanh thu của NSC trong nửa đầu năm 2023 do là mảng kinh doanh mới. NSC dự kiến sẽ bán được khoảng 25.000-30.000 tấn gạo đóng gói trong năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 500 tỷ đồng (chủ yếu từ thị trường nội địa).

Tại Khử trùng Việt Nam (mã: VFG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.537 tỷ đồng, tăng 2% và 112 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó biên lợi nhuận ròng tăng 50 điểm cơ bản. Mặc dù nhu cầu và giá bán bình quân trên toàn ngành đều giảm, công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng khích lệ do người nông dân ưa chuộng các sản phẩm Syngenta mà VFG phân phối. Hơn nữa, chi phí của các sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu do tỷ giá giảm trong nửa đầu năm 2023.

Mảng thuỷ sản có thể đã qua 'đáy'

Lũy kế 6 tháng nửa đầu năm 2023, FMC đạt doanh thu và NPATMI lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 112 tỷ đồng, giảm 26% và 28% so với cùng kỳ. Nhu cầu giảm từ các thị trường xuất khẩu chính như Châu Mỹ và Châu Âu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả sản lượng của FMC và giá bán bình quân. Thị trường Nhật Bản đóng góp khoảng 40% doanh thu đã giúp hạn chế sự suy giảm này. 

SSI Research cho rằng doanh thu xuất khẩu đã chạm đáy và sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Giá bán bình quân cao hơn, cạnh tranh bớt gay gắt hơn ở thị trường Nhật Bản cùng với chi phí thức ăn và vận chuyển thấp hơn dự kiến sẽ giúp FMC hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023.

 

Tại Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (mã: ABT), doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 258 tỷ đồng, giảm 17%, NPATMI giảm chậm hơn với 3%, xuống 38 tỷ đồng. Doanh thu giảm do mức tồn kho cao và nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ và Châu Âu), và biên lợi nhuận gộp giảm do chi phí thức ăn ở mức cao. Tuy nhiên, lợi nhuận đã cải thiện so với năm ngoái nhờ cổ tức từ FMC và chi phí giảm (cụ thể chi phí vận chuyển đã giảm so với mức cao kỷ lục trong năm 2022). Nhật Bản cũng là thị trường trọng điểm dự kiến giúp ABT đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững hơn.

Mảng thực phẩm đóng gói chờ dịp lễ hội về cuối năm

Trong mảng thực phẩm đóng gói, Bibica (mã: BBC) đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất. BBC ghi nhận doanh thu và NPATMI 6 tháng lần lượt là 447 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và 3 tỷ đồng, tăng 5% nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ bán tài sản trong nửa đầu năm 2022, đặt trong bối cảnh sức mua suy yếu. Doanh thu dự kiến sẽ cải thiện do nửa cuối năm là thời điểm mà các nhà sản xuất bánh kẹo bận rộn với Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng vẫn còn những thách thức như chi phí đầu vào (ví dụ như đường) cao và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (mã: LAF) là đơn vị hiếm hoi thuộc PAN tăng trưởng dương cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, đơn vị này đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 208 tỷ đồng và 12 tỷ đồng, tăng 17% và 20% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu từ thị trường xuất khẩu (Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc)).

Kỳ vọng những chuyển biến tốt của thị trường nửa cuối năm 2023 

Nhìn chung, bất chấp sự sụt giảm trong nửa đầu năm 2023, tập đoàn PAN vẫn giữ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 15.200 tỷ đồng, tăng 11% và 840 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022 với kỳ vọng vào những chuyển biến tốt của thị trường, đến từ các ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. 

Cụ thể, với mảng nông nghiệp, vụ mùa Đông Xuân dự kiến tốt hơn sẽ giúp doanh thu của NSC và VFG tốt hơn trong nửa cuối năm. 

Việc giá gạo tăng tạo động lực cho nông dân tái đầu tư. Ngoài ra, lãi suất thấp hơn giúp cho nông dân vay mua vật tư (giống, thuốc BVTV) dễ dàng hơn và lượng hàng tồn kho của công ty đủ nhờ sản lượng thu hoạch giống tốt hơn (NSC tự trồng hạt giống và thu hoạch để bán). VFG cũng sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu cao hơn để chuẩn bị cho vụ mới, cùng với doanh thu từ các sản phẩm Syngenta mới. Hơn nữa, giá vật tư nông nghiệp đã bắt đầu tăng theo giá gạo, điều này sẽ có lợi cho NSC và VFG. 

 

Mảng thuỷ sản sẽ phục hồi về cuối năm. SSI Research cho rằng lợi nhuận của FMC và ABT đã chạm đáy trong quý II và sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Dấu hiệu phục hồi được nhận thấy ở số lượng đơn đặt hàng hồi phục, trong khi mức tồn kho tại Mỹ và Châu Âu giảm.

 Sự ưa chuộng của thị trường Nhật Bản đối với các sản phẩm chế biến của FMC và ABT cũng sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng. Ngoài ra, chi phí hoạt động kinh doanh thấp hơn như thức ăn thủy sản, tôm nguyên liệu và chi phí vận chuyển đã giảm so với mức cao của năm trước cũng sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của FMC và ABT.

Với các yếu tố thuận lợi như vậy, đơn vị phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của Tập đoàn sẽ phục hồi từ quý III, trong đó NSC, VFG và FMC sẽ tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng.

Trong năm 2023, SSI Research ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 14.413 tỷ đồng, tăng 6% và 842 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường của năm 2022, cao hơn một chút so với kế hoạch lợi nhuận của công ty. Sau đó có thể tăng trưởng lên 15.497 tỷ và 916 tỷ trong năm 2024. 

Trong nửa đầu năm 2023, PAN Group ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng hợp nhất lần lượt đạt 5.309 tỷ đồng và 267 tỷ đồng. Như vậy, dự phóng mới nhất của SSI Research tương đương kỳ vọng trong nửa cuối 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng hợp nhất của PAN đạt lần lượt hơn 9.000 tỷ đồng và gần 580 tỷ đồng, tức tăng khoảng 70% và 115% so với nửa đầu năm.