Dịch COVID-19 lắng xuống, xu hướng đi chợ trên các sàn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mạnh mẽ

07:15 | 09/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh đã tạm lắng xuống, báo cáo thị trường quý II cho thấy xu hướng đi chợ online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không những không sụt giảm như nhiều người dự báo mà còn tăng trưởng đáng kể.
Sàn thương mại điện tử Shopee ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến của ngành hàng bách hóa, thực phẩm từ đầu quý II đến nay, có tháng mức tăng này lên nhiều gấp 3 lần.

Đơn cử, dù chậm chân hơn nhiều những sàn TMĐT khác, tận đầu tháng 5 mới ra mắt nhưng ngành hàng tươi sống của Tiki đã có những kết quả rất tích cực. Cụ thể, tổng số đơn đặng hàng giao nhanh chiếm hơn 40% tổng đơn giao nhanh của toàn ngành bách hóa. Trong đó mặt hàng được quan tâm nhất là hải sản, thịt và trái cây cao cấp,...

Nhu cầu tăng do thói quen mua sắm online của người tiêu dùng


Việc bổ sung thêm ngành hàng tươi sống mục đích để cung cấp trọn gói mọi sản phẩm và dịch vụ chính hãng với chất lượng đảm bảo. Đồng thời Tiki cũng công bố chỉ hợp tác với những đối tác đáng tin cậy. Nguồn hàng luôn được tuyển chọn kỹ lưỡng, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với sức khỏe con người.
 
Dịch COVID-19 lắng xuống, xu hướng đi chợ trên các sàn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mạnh mẽ - ảnh 1
Xu hướng mua thực phẩm tươi sống trên chợ mạng tăng trưởng tốt dù đã ngừng giãn cách xã hội. Ảnh: NLĐ

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki, cho biết đây là một dự án kinh doanh trong dài hạn nên cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn để hoàn thiện và mở rộng quy mô của dịch vụ này. Sau giai đoạn thử nghiệm tại TP. HCM, ngành này sẽ ra mắt người tiêu dùng tại các tỉnh, thành khác. Đồng thời, những đối tác là các chuỗi siêu thị cũng sẽ lên sàn trong thời gian tới.

Báo cáo thị trường thương mại điện tử từ đơn vị nghiên cứu iPrice, tốc độ tăng trưởng về lượng truy cập website của ngành hàng bách hóa tại Việt Nam qua 6 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đây là ngành hàng thứ yếu của các chợ online trước dịch. Ngược lại, các ngành hàng thu lợi nhuật cao nhất của sàn TMĐT trước dịch là thiết bị di động lại gần như đi ngang, còn hàng thời trang lại sụt giảm gần 40%.

Điều này đã thể hiện được xu hướng mua sắm của người tiêu dùng ngày càng thay đổi bằng việc hạn chế chi tiêu cho những sản phẩm giá trị cao mà tập trung vào các nhu yếu phẩm, sát sườn với đời sống.

Sau 3 tháng bắt đầu vận hành ngành hàng tươi sống, tính đến tháng 7-2020 trên Lazada đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng 200%; đối tác cung cấp thực phẩm tươi sống tăng gấp 6 lần.

Theo đại diện doanh nghiệp Lazada, dịch COVID-19 đã thay đổi phần nào thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online), trong đó thực phẩm tươi sống cũng không phải ngoại lệ.

Nhiều người dùng thử lần đầu mua sắm online và vẫn duy trì thói quen này sau đó. Theo đó, khi tình hình dịch bệnh đã dần ổn định, nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống trên Lazada vẫn giữ mức tăng trưởng tốt. Thậm chí, một gian hàng trên Lazada có thời điểm đơn hàng tăng gấp 40 lần so với bình thường.

Cơ hội cho đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ


Tuy COVID-19 khiến một số sàn thương mại điện tử tạm đóng cửa, nhưng vẫn mở ra nhiều cánh cửa mới cho các chợ online.

Theo Báo cáo thương mại điện tử quý II, sự dịch chuyển về kênh mua sắm trực tuyến. Trong bối cảnh nhiều sàn thương mại điện tử đầu ngành chứng kiến sự sụt giảm lượng truy cập website từ 5% đến gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, bù lại lượng sử dụng ứng dụng di động để mua sắm online trong quý II lại tăng hơn 40% so với quý I, đạt mức cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
 
Dịch COVID-19 lắng xuống, xu hướng đi chợ trên các sàn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mạnh mẽ - ảnh 2

Đại diện bộ phận nghiên cứu của iPrice cho rằng, xu hướng dịch chuyển của hàng hóa thương mại điện tử sẽ không chỉ trong ngắn hạn mà cả sau dịch COVID-19 cũng có nhiều tăng trưởng.

Bằng chứng là các website và ứng dụng di động chuyên về bách hóa trực tuyến tại Việt Nam như: Bách hóa xanh, Lotte, Big C đều ghi nhận lượng truy cập cao, ổn định, kéo dài từ đầu quý II đến nay.

Từ kết quả những tháng đầu thử nghiệm bán thực phẩm tươi sống trên nền tảng TMĐT, nhiều doanh nghiệp khẳng định họ mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các nhà bán hàng, kinh doanh thực phẩm và giao nhận.

Tiki xác nhận chỉ sau 1 tháng đầu thử nghiệm bán hàng online, đơn hàng trên sàn đã chiếm hơn 20% tổng số đơn hàng online của chuỗi cửa hàng Farmers’ Market.

Đại diện Foody (sở hữu nền tảng bán hàng NowFood liên kết với sàn TMĐT Shopee) cũng nhận định, mảng thực phẩm tươi sống là ngành hàng tiềm năng bởi tính tiện ích, đồng thời nhu cầu về thực phẩm tươi sạch, chất lượng tốt... tại các TP lớn hiện rất cao.
 
Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
 
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cũng lưu ý cần tăng cường nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ chất lượng hàng tươi sống trên sàn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với những sàn TMĐT không kết nối nhà bán hàng giao trực tiếp cho khách mà phải thông qua sàn thì cần cải thiện hệ thống kho chứa, logistics để bảo quản hàng hóa được tốt nhất và xây dựng quy trình kiểm soát thực phẩm một cách đồng bộ.
 
Ngoài ra, cũng cần có ràng buộc chặt chẽ với nhà bán hàng, có chế tài mạnh tay và sẵn sàng bồi thường nếu có rủi ro liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Hải Yến
 

ĐỌC NHIỀU