Điều kiện gì đối với hành khách khi đến Huế bằng đường hàng không

07:00 | 11/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hành khách di chuyển bằng đường hàng không đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới bắt buộc phải có những điều kiện “hành trình xanh” hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh này cho biết về việc thí điểm mở lại đường bay đến Huế, cùng những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với hành khách khi đến địa phương này bằng đường hàng không.

Theo đó, hành khách di chuyển bằng đường hàng không bắt buộc phải có những điều kiện “hành trình xanh” sau đây mới được đến Thừa Thiên-Huế: Phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh).

Các hành khách đến Huế bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Đồng thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành cam kết và chuyển cho hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu được ban hành.

Ngoài ra, hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…

Thông báo cũng nêu rõ, hành khách trước khi đến Huế phải đăng ký và được phê duyệt theo hình thức trực tuyến tại chức năng “khai báo về Huế” trên ứng dụng Hue-S hoặc truy cập trang web “https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao”, xuất trình mã QR tại các chốt kiểm soát y tế khi đến địa phương.

Tiêu chuẩn hành khách được xét duyệt ưu tiên gồm: Những người hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.

Đây là những tiêu chuẩn, điều kiện để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc triển khai thí điểm này nhằm từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch; đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của nhân dân, hành khách, bảo đảm an toàn, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Trước đó, vào ngày 1/10, Cục Hàng không Việt Nam có công văn về việc xin ý kiến khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Sau khi nhận được văn bản của Cục Hàng không Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đồng ý khai thác đường bay nội địa Huế - TP.HCM và đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, trước mắt tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam cho khai thác đường bay nội địa đi và đến Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài với tần suất khai thác 1 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay Huế - TP. HCM.

Đối với các đường bay còn lại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có đánh giá và đề xuất với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam khai thác thường lệ trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Phùng Tuấn Dương, Phó Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài ( Thừa Thiên - Huế) cho biết, việc hoạt động Cảng HKQT Phú Bài trở lại nằm trong giai đoạn thí điểm của Cục Hàng không Việt Nam kéo dài từ ngày 10-20/10, trung bình mỗi ngày/chuyến. Trong đó vào ngày 10/10, Bamboo Airway thực hiện chuyến bay  từ TP. HCM đến Huế vào lúc 14 giờ 30 phút và theo chiều ngược lại sau đó.

Hiện cảng HKQT Phú Bài đã xây dựng phương án kiểm tra, kiểm soát phòng dịch chặt chẽ qua mỗi chuyến bay; đồng thời khuyến nghị các hãng bay, hành khách cũng như các tổ chức, đơn vị khai thác dịch vụ liên quan chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa khi đến sân bay và trong hành trình bay.

Sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) sẵn sàng hoạt động đón hành khách trở lại

Được biết, bắt đầu từ ngày 10/10, các hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway hoạt động trở lại tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài.

Cùng với đó, nhằm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24 /5/2021 về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Với mục tiêu là đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố Du lịch sạch ASEAN, chỉ tiêu được UBND tỉnh đề ra là sẽ xây dựng được 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao, kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao. Ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách đến Thừa Thiên - Huế, trong đó khách quốc tế khoảng 45-50%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.

Việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.

Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch.