Thừa Thiên - Huế: Đón 149 thai phụ về quê, xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi đón công dân trở về

08:00 | 06/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời gian dài tạm hoãn do dịch COVID-19, chiều 5/9, chuyến bay mang số hiệu VJ3494 đã đưa 231 công dân Thừa Thiên - Huế về quê, trong đó có 149 thai phụ. Để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch khi số lượng người dân từ miền Nam trở về ngày càng đông, tỉnh này đã lên phương án thành lập thêm cơ sở cách ly.

Chiều ngày 5/10, tại Cảng HKQT Phú Bài, chuyến bay mang số hiệu VJ3494 của hãng hàng không Vietjet đã đưa 231 công dân Thừa Thiên Huế gồm thai phụ và người thân đi kèm trở về từ thành phố Hồ Chí Minh hạ cánh an toàn vào lúc 14h25’.

Trước đó, nhằm hỗ trợ công dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đang làm ăn, sinh sống, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu cấp thiết trở về địa phương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai khởi động lại chương trình đón người dân về quê.

Chuyến bay mang số hiệu VJ3494 của hãng hàng không Vietjet đã đưa 231 công dân Thừa Thiên Huế về quê vào chiều 5/10

Trong đợt này, tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên đưa các thai phụ từ TPHCM về Huế vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch COVID-19, rất mong muốn được trở về quê để sinh nở.

Trên chuyến bay VJ3494 ngày 5/10 có 231 người, trong đó có 149 thai phụ, còn lại là người thân đi cùng. Toàn bộ người dân đi trên chuyến bay này đã được test nhanh COVID-19 miễn phí trước khi lên máy bay.

Ngay khi đặt chân xuống sân bay, các công dân được lực lượng chức năng phân luồng, chia tốp, phun thuốc sát khuẩn, sau đó lên 15 xe buýt đợi sẵn trong sân bay để vận chuyển đến khu cách ly T3.

Đáng chú ý, trong đợt đưa các thai phụ từ TPHCM về quê này, tỉnh TT-Huế không phân biệt đối tượng đã tiêm vắc xin hay chưa.

Trong số 231 người được đón về có 149 thai phụ

Sau chuyến bay này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ, đón bà con Thừa Thiên Huế tại các tỉnh, thành phía Nam về quê (phương tiện máy bay/tàu hỏa).  Đối tượng được ưu tiên đón vẫn là các thai phụ, học sinh, mẹ và trẻ sơ sinh, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, trong tháng 7/2021, tỉnh TT-Huế từng tổ chức 3 đợt đưa người dân từ TPHCM về quê; với đối tượng ưu tiên là người lớn tuổi, người mắc bệnh mong muốn về quê điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh.

Trong đó, đợt 1 đón 239 người bằng máy bay, đợt 2 đón 376 người bằng tàu hỏa. Ngoài ra, tỉnh TT-Huế còn tổ chức chuyến bay dịch vụ đưa 250 công dân có nhu cầu về quê theo hình thức tự túc.

Sau đó, chương trình đưa công dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê phải tạm dừng vì lượng người tự phát trở về rất đông, với hơn 16.500 trường hợp, khiến các khu cách ly trên địa bàn TT-Huế trở nên quá tải.

Liên quan đến người dân đi bộ từ miền Nam về quê được bố trí xe chở qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 5/9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bố trí 15 ôtô khách để chở 350 người đi bộ từ các tỉnh, thành phía Nam về quê. Đoàn người này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao ở các tỉnh phía Bắc, họ đã đi bộ từ các tỉnh phía Nam lên Tây Nguyên, sau đó được chính quyền địa phương hỗ trợ ôtô trung chuyển ra địa phận tỉnh Quảng Trị.

Thừa Thiên – Huế bố trí 15 ôtô khách để chở 350 người đi bộ từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước tình trạng người dân ở các tỉnh, thanh từ miền Nam tự phát trở về quê. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức cuộc họp rà soát, đánh giá năng lực phòng, chống dịch tại cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án khi lượng người về từ TP HCM và các tỉnh thành miền Nam dự báo về quê với số lượng lớn.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thừa Thiên – Huế, Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, thời gian đến, lượng người về từ TP HCM và các tỉnh miền Nam là rất lớn, các chốt kiểm soát y tế trên địa bàn cần tiếp tục duy trì hoạt động tốt, tránh tình trạng ùn ứ, tập trung đông người. 

Dự kiến trong tuần này, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ thực hiện đón phụ nữ có thai về địa phương; cùng với đó, tỉnh cũng đang có kế hoạch đưa người dân từ TP HCM và các tỉnh miền Nam về địa phương một cách chủ động (theo vào công suất tiếp nhận của tỉnh) nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đề nghị mỗi huyện cần chủ động chuẩn bị có ít nhất một khu cách ly tập trung và sẵn sàng vận hành lại các  khu cách ly trước đây để đảm bảo cho công tác cách ly tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đã được cho phép hoạt động trở lại, nới lỏng nhưng phải kiểm soát tốt để dịch bệnh không bùng phát trở lại. Các cơ sở y tế tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khám chữa bệnh và phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giám sát dịch tể ở mức cao nhất.

Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định số 161/QĐ-BCĐ và Quyết định số 162/QĐ-BCĐ thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung tại Khách sạn Silk Path Grand Hotel & Spa Huế (02 Lê Lợi, thành phố Huế) và Cơ sở II Nhà khách Tổng Liên đoàn tại Huế - Sông Hương Hotel (79-86 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế) theo hình thức có thu phí người cách ly có nhu cầu theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 824 ca F0; trong số này, có 762 ca đã điều trị khỏi, 4 ca tử vong và hiện còn 58 ca đang điều trị; đang cách ly theo dõi 3.189 người có yếu tố dịch tễ, trong đó có 942 người cách ly tại các T của tỉnh. Trong ngày hôm qua, ngành y tế thực hiện 1.304 xét nghiệm PCR, 871 test nhanh kháng nguyên và thực hiện 4.239 mũi tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Hiện, đã có 139.181 người tiêm 1 mũi vắc-xin và 60.408 người tiêm mũi 2.