Giá giảm, cầu chưa phục hồi: Doanh nghiệp cao su đặt kế hoạch kinh doanh 'dè chừng' năm 2023
Bước đà chậm những tháng đầu năm
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt khoảng 130.000 tấn, trị giá 184 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 0,6% về giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su ước đạt 396.000 tấn, trị giá 552 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Chia sẻ với Nhịp sống kinh doanh, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, trong ngành cao su thì sản phẩm cao su được xuất khẩu nhiều nhất. Năm 2022, sản phẩm cao su được xem là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,2 tỷ USD tăng 14,0% so với năm 2021. Trong đó, chủ yếu là lốp xe với 2,2 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2021, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và thị trường chủ chốt vẫn là Hoa Kỳ, với nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là lốp ô tô con và lốp xe tải.
Tuy nhiên, sang năm nay việc xuất khẩu gặp khó khăn hơn bởi vì sức mua của thị trường thế giới giảm, đặc biệt là sức mua lốp xe ở Mỹ và châu Âu giảm cho nên hiện nay một số công ty xuất khẩu sản phẩm cao su đã bị chững lại.
"Rất khó nói về triển vọng xuất khẩu sản phẩm cao su trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là trong quý II vẫn khó khăn vì đến giờ vẫn chưa có thông tin gì mới về đơn hàng. Hiện xuất khẩu lốp xe đã giảm từ 20% - 30%", Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định.
Doanh nghiệp trong ngành với kế hoạch kinh doanh thận trọng
Trái ngược với kết quả cao trong năm ngoái, sang 2023, doanh nghiệp với những dự báo khó khăn của thị trường đã đặt kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng.
Là doanh nghiệp lớn với sản phẩm lốp cao su được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) tỏ ra khá thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm nay.
Tại Hội nghị giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, GVR cho biết đã xây dựng kế hoạch năm 2023 và trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt với 3.792 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 1.395 tỷ đồng, giảm lần lượt 85% và 71% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo GVR cho biết, giá bán mủ cao su - sản phẩm cốt lõi của tập đoàn tới nay chỉ đạt mức bình quân 33 triệu đồng/tấn (giảm 6 – 6,5 triệu/tấn so với cùng kỳ) nên kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm giảm mạnh so với quý I/2022.
Trong năm 2023, căn cứ vào tốc độ phát triển của thị trường nội địa và xuất khẩu, năng lực của doanh nghiệp cũng như dự báo diễn biến sắp tới của nền kinh tế trong và ngoài nước, Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) đặt kế hoạch doanh thu 5.060 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 264 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện trong năm 2022.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, Chủ tịch HĐQT DRC Nguyễn Xuân Bắc cho biết, 2022 là một năm khó khăn trước biến động về kinh tế, xung đột Nga – Ukraine, thiếu hụt nguyên liệu… Tuy nhiên, đơn vị sản xuất săm lốp vẫn đạt doanh thu hơn 5.139 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
“Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là sự cạnh tranh của các thương hiệu có xuất xứ từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ nhắm vào lợi ích ngắn hạn của người tiêu dùng” - ông Bắc nhận định.
Riêng tại Cao su Phước Hòa (mã: PHR), động lực tăng trưởng cho năm nay đến chủ yếu từ phần thu nhập đền bù thương vụ với VSIP. Cụ thể, trong nghị quyết HĐQT họp ngày 14/3, ban lãnh đạo đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với doanh thu 1.813 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh cao su hơn 1.300 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng, chỉ gần bằng 53% so với số lãi đạt được năm 2022.
Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của PHR đạt 1.709 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 85% so với cùng kỳ lên 885 tỷ đồng. Sự tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ khoản thu nhập từ việc đến bù 691 ha đất trong thương vụ với VSIP III tại tỉnh Bình Dương.
Trong báo cáo doanh nghiệp mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá phần thu nhập đền bù từ thương vụ với VSIP sẽ tiếp tục là điểm tựa lợi nhuận của PHR trong quý I. Cụ thể, 207 tỷ đồng còn lại của phần đền bù cố định đã được VSIP chuyển cho PHR trong tháng 2 và sẽ được ghi nhận trong báo cáo thu nhập của quý I/2023. Ngoài ra, phần đền bù theo tiến độ cho thuê của dự án VSIP III (hiện đã cho Lego và Pandora thuê 60 ha) kỳ vọng cũng sẽ được thanh toán trong năm nay, số tiền được nhận vào khoảng 72 tỷ đồng, tương ứng với 1,2 tỷ đồng/ha.
Đối với mảng kinh doanh chính là mủ cao su, nhóm phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi do thị trường Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn, tuy nhiên nhu cầu từ thị trường này vẫn chưa thật sự mạnh và có tác động đáng kể đến giá mủ cao su trên toàn cầu.
Thêm vào đó, mảng chế biến gỗ VDSC nhận định chưa có tính hiệu phục hồi từ nhu cầu tiêu thụ, cũng như mảng kinh doanh đất KCN dự kiến sẽ đi ngang khi PHR chỉ ghi nhận diện tích thuê tương đương với năm 2022.
Theo đó, CTCK này dự kiến cho năm 2023, doanh thu PHR ước đạt 1.749 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 528 tỷ đồng, giảm 40,4%.